30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Một số thành tựu nổi bật

  1. Từ đối tác thông thường trở thành đối tác hợp tác chiến lược trong một khoảng thời gian rất ngắn

Có thể khẳng định rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một quyết định lịch sử phù hợp với lợi ích của hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới, hướng tới tương lai, hợp tác cùng phát triển. Trong 30 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Hàn Quốc ở Đông Nam Á.

Về chính trị, ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã duy trì đều đặn hàng năm việc trao đổi đoàn và các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao. Kết quả của mỗi lần thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao này không chỉ là hàng loạt các văn bản và thỏa thuận hợp tác được ký kết, mà mức độ chặt chẽ của quan hệ song phương giữa hai nước cũng được tăng thêm một bậc. Hai trong số các dấu mốc quan trọng của việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước cần được kể đến là: năm 2001 quan hệ hai nước từ đối tác thông thường được nâng lên thành  “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”; và năm 2009 tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Như vậy là chỉ sau chưa đầy hai thập kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác hợp tác chiến lược của nhau. Trong số rất nhiều quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức trong những năm đầu thập kỷ 1990, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Đây là một sự phát triển hết sức nhanh chóng và ngoạn mục. Việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” chính là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ song phương, đồng thời cũng là sự thể hiện quyết tâm chung của Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn trong thời gian tới.

  1. Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc phát triển nhanh chưa từng có

Có thể nói hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất, và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước 30 năm qua.

- Về viện trợ phát triển, Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc, và cũng là nước nhận được nhiều nhất trong tổng vốn viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản). Năm 2011, Hàn Quốc đã tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn Việt Nam là 1 trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA”, với 3 trọng tâm là: Tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam tăng nhanh không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Về đầu tư trực tiếp, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam phần lớn (tới 70%) là vào các ngành công nghiệp chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Hiện nay, FDI của Hàn Quốc đã được trải rộng trên hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Trong 30 năm qua, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có những bước chuyển rất mạnh. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn khởi đầu cho cao trào của làn sóng đầu tư thứ 3 vào Việt Nam với chiến lược đầu tư công nghệ và kỹ thuật số.

- Về thương mại, kể từ những năm 1980, Việt Nam đã có sự trao đổi mậu dịch với Hàn Quốc. Song quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ thực sự phát triển nhanh kể từ đầu những năm 1990 sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt giai đoạn kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007 đến nay), tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt bình quân 42,5%/năm. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2021 đạt 45,1 tỷ USD.

  1. Sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, xã hội ngày càng sâu sắc

- Ngày nay, giới trẻ Việt Nam biết rất nhiều, ngưỡng mộ và yêu thích nhiều gương mặt nổi bật của làng nghệ thuật giải trí Hàn Quốc. Với họ, dường như có sợi dây vô hình gắn kết, hòa nhập và họ luôn nhiệt liệt tán thưởng, dành tình cảm chào đón mỗi chuyến lưu diễn của các ca sỹ Hàn Quốc.

- Về giao lưu nhân dân, nếu như những năm 1990-1992, hầu như có rất ít kiều dân của 2 nước sang nước kia, thì đến nay, đã có hơn 140.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 70.000 cô dâu, 60.000 lao động xuất khẩu và 10.000 sinh viên. Đó là chưa kể khoảng 60.000 chị em Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc và đã nhập quốc tịch nước sở tại. Do đó con số người Việt Nam và gốc Việt Nam khoảng hơn 200.000 người. Tương tự như vậy cũng có hơn 150.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Du lịch cũng là một lĩnh vực mà 2 nước đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Trong năm 2021, có gần 1,75 triệu người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau. Việt Nam là quốc gia mà người Hàn Quốc đến thăm nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số du khách và du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc cũng ngày càng gia tăng.

- Về hợp tác lao động: Hợp tác lao động Việt-Hàn là điểm sáng nhất trong quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với các nước. Hợp tác lao động Việt-Hàn, ngoài ý nghĩa quan trọng về kinh tế, còn có ý nghĩa về văn hóa và xã hội. Nó không chỉ góp phần rất to lớn vào việc xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam, đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự hòa nhập của người Việt Nam vào cuộc sống thường ngày của đời sống kinh tế cũng như văn hóa, xã hội Hàn Quốc. Quan trọng hơn cả, đội ngũ lao động Việt Nam làm việc trong các công ty của Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc sang lao động ở Hàn Quốc trở về với sự am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ Hàn Quốc, sẽ là một trong những cầu nối quan trọng tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trần Quang Minh, TS. NCVCC

Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

 

 

Lượt truy cập

Hôm nay 13

Hôm qua 21

Tuần này 510

Tháng này 3453

Tất cả 267636

Go to top