Vai trò của Chính phủ trong việc bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc

Với bề dầy gần 5.000 năm lịch sử, Hàn Quốc là quốc gia sở hữu khá nhiều loại hình lễ hội truyền thống và các ngành nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Trong số hàng chục loại hình lễ hội truyền thống khác nhau ở Hàn Quốc, có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu vẫn còn được bảo tồn và thu hút sự quan tâm của người dân Hàn Quốc cũng như các du khách hiện nay như: Lễ hội văn hóa Hwaseong Suwon; Lễ hội câu cá hồi trên băng Sancheoneo Hwacheon; Lễ hội Núi tuyết Taebaeksan; Lễ hội Lửa Jeju; Lễ hội Đèn lồng Hoa sen; Lễ hội Cát Haeundae; Lễ hội Bùn Boryeong; Lễ hội biển Busan; Lễ hội nước Jeongnamjin; Lễ hội đi bộ qua biển Jindo… Hàn Quốc cũng là quê hương của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như nghề làm giấy, nghề gốm sứ, nghề sơn mài, nghề đúc kim loại, nghệ chạm khắc, nghề thêu ren…

Người Hàn Quốc rất tự hào về các di sản văn hóa của mình. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá đất nước nhanh chóng trong những năm 1960 – 1980, một mặt đã giúp Hàn Quốc trở thành một con rồng châu Á với GDP đứng vào hàng thứ 10 trên thế giới, song mặt khác nó cũng đã kéo theo hệ lụy là nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị phá vỡ. Chính phủ Hàn Quốc đã sớm nhận ra điều này và đã kịp thời ban hành và thực hiện nhiều chính sách cũng như những hỗ trợ cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc bảo tồn, duy trì và phát triển các loại hình lễ hội truyền thống và nghề thủ công truyền thống.

Mặc dù các chính sách của Chính phủ không tạo ra vốn xã hội, nhưng xét dưới góc độ những tác động gián tiếp thì các chính sách của Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo ra những tiền đề cần thiết để các loại hình vốn xã hội có điều kiện phát triển tốt hơn. Những chính sách của Chính phủ sẽ tạo dựng nền tảng cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, cung cấp các nguồn tài chính cần thiết cho sự hình thành và phát triển của vốn xã hội; góp phần tạo nên sự gắn kết giữa các công dân với nhau và giữa các công dân với cơ quan chính phủ. Về phương diện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các chính sách của Chính phủ có vai trò tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các tổ chức mạng lưới, các quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng trong quá trình thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư nói riêng cũng như cả xã hội nói chung.

Liên quan đến các vấn đề này, Hàn Quốc đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách văn hóa, trong đó có các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, nghi lễ, và các nghề thủ công truyền thống... Bài viết này sẽ phân tích và chỉ rõ các chính sách cũng như sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống này. 

Lượt truy cập

Hôm nay 122

Hôm qua 468

Tuần này 1281

Tháng này 2339

Tất cả 266522

Go to top