Admin

Admin

Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu

 * TRẦN THỊ DUYÊN, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

** TRẦN QUANG MINH ,Viện Nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương

 (Bài viết đã đăng trên Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 8 (2023)

Tóm tắt: Nhận thức được chất bán dẫn trở thành nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều thiết bị điện tử, hạ tầng xã hội và hỗ trợ tích cực cho cuộc sống thường nhật của con người, nhiều năm qua Đài Loan (Trung Quốc) đã làm chủ công nghệ bán dẫn và thương mại hóa nguồn lợi từ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này. Công nghệ bán  dẫn cũng đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Trên cơ sở làm rõ bối cảnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, bài viết phân tích năng lực công nghệ sản xuất chip bán dẫn, vị trí của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của nó trong cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung Quốc.

Từ khóa: Chip bán dẫn Đài Loan, cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc.

 

1.   Nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan

Nền kinh tế của Đài Loan nổi lên từ thập niên 1970 nhờ chính sách kinh tế khôn ngoan. Từ một nền kinh tế lạc hậu, sự phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của người dân phải đối diện với nhiều thử thách, chỉ sau hai thập niên, người Đài Loan đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên trước sức bật mạnh mẽ của họ, vùng lãnh thổ này đã trở thành một khu vực công nghiệp mới với tốc độ phát triển nhanh chóng.

Để có được kỳ tích như vậy thì kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đài Loan đã tập trung vào tái thiết cơ sở hạ tầng bị hư hại, sau đó chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế. Giới lãnh đạo Đài Loan bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất. Kế hoạch phát triển kinh tế đầu tiên của họ là chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông (chủ yếu làm nông nghiệp) sang sản xuất theo hướng công nghiệp. Năm 1948, Đài Loan tiến hành sản xuất hàng điện tử, bắt đầu nhập khẩu linh kiện và lắp ráp đài (radio) bán dẫn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ. Điều này đánh dấu kỷ nguyên công nghiệp mới tại Đài Loan. Sau đó, các nhà sản xuất mua lại công nghệ lắp ráp tivi của Nhật Bản để phục vụ thị trường nội địa và họ cũng sử dụng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ để xây dựng nhà máy chỉ lắp ráp tivi cho thị trường Mỹ. Hoạt động lắp ráp đài và tivi phát triển nhanh chóng trong thập niên 1960 và 1970. Tuy nhiên, thời điểm đó ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Đài Loan chưa có năng lực sản xuất linh kiện riêng lẻ. Để khuyến khích ngành công nghiệp linh kiện điện tử, chính quyền đã đề ra các quy định về hàm lượng nội địa đối với các sản phẩm điện tử bán tại Đài Loan. Quy định này buộc các nhà sản xuất tivi của Nhật Bản phải chuyển giao công nghệ cho đối tác hoặc nhà sản xuất linh kiện địa phương. Mặc dù vậy, quy mô của các doanh nghiệp lúc này vẫn nhỏ, họ thường sao chép hay dùng lại công nghệ nước ngoài, sản phẩm làm ra được hướng đến thị trường các nước Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ La-tinh. Nguồn doanh thu từ xuất khẩu ban đầu này giúp họ tạo nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào sản xuất các thiết bị hiện đại.

Những cải tiến về chất lượng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Đài Loan đã tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn - một động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng lãnh thổ này. Năm 1964, một phòng thí nghiệm bán dẫn được thành lập tại trường đại học công (Giao thông - Chiao Tung) ở Tân Trúc, miền bắc Đài Loan, chịu trách nhiệm đào tạo  các kỹ sư trở thành trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan (Chen Been-Ion, 2011). Trong những năm đầu tiên, ngành sản xuất chất bán dẫn non trẻ chưa nhận  được  nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài vì các tập đoàn  đa quốc gia do dự đầu tư. Sự thận trọng này là bởi họ cho rằng đây là dây chuyền sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi chưa thể đảm bảo sản phẩm cuối cùng sẽ đạt được các tiểu chuẩn kiểm soát chất lượng ổn định. Tuy  nhiên,  ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan cuối cùng cũng nhận được cú hích vào năm 1967   khi tập đoàn Philco của Mỹ bắt đầu thực hiện lắp ráp tại chỗ các mạch tích hợp IC (Chen Been-Ion, 2011).

Việc tích lũy bí quyết về kỹ thuật sản xuất trong ngành bán dẫn diễn ra chậm chạp cho đến năm 1974, khi “Tổ chức Nghiên cứu và Dịch vụ Điện tử” (Electronics Research and Services Organization - ERSO) được thành lập gần Đại học công Giao thông. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, ERSO đã mua lại công nghệ “bán dẫn oxit kim loại bổ sung” (the complementary metal oxide semiconductor - CMOS) được sử dụng trong các chip IC của tập đoàn RCA (Radio Corporation of America) và thành lập một nhà máy để thử nghiệm công nghệ này. Năm 1976, RCA bắt đầu chuyển giao công nghệ chip CMOS và đào tạo về thiết kế và xử lý chip cho nhân viên ERSO. Có thể thấy, việc RCA chuyển giao công nghệ CMOS cho ERSO được xem như một tấm vé gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Thiết kế vi mạch bắt đầu kể từ đây.

Năm 1982, công ty thiết kế vi mạch đầu tiên của Đài Loan có tên Syntek được  thành  lập dưới sự lãnh đạo của một cựu quản lý ERSO.  Để tận dụng nguồn lực kỹ sư tài năng ở các địa phương, một loạt các công ty điện tử đa quốc  gia cũng đã thành lập các công ty thiết kế vi mạch của riêng họ ở Đài Loan vào giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành công nghiệp thiết kế vi mạch lại cho thấy Đài Loan đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng trong công nghiệp hỗ trợ đúc. Vào thời điểm đó, Đài Loan chỉ có Công ty Liên hiệp vi điện tử (United Microelectronics Corporation - UMC) là xưởng đúc duy nhất nhưng nó lại tập trung vào việc sản xuất các thiết kế của riêng mình và không muốn gia công cho các nhà thiết kế khác. Để tập trung vào ngành đúc, năm 1987, chính quyền Đài Loan đã phải thành lập Công  ty      sản       xuất     chất     bán      dẫn (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. - TSMC). Chiến lược sản xuất chip bán dẫn của TSMC  cho các công ty bên ngoài đạt được thành công lớn sớm hơn mong đợi. TSMC không chỉ nhận được đơn hàng từ các nhà thiết kế chip bán dẫn nội địa mà còn từ các nhà thiết kế nước ngoài. “Sự nổi lên nhanh chóng của TSMC đã khuyến khích UMC bắt tay vào việc mở rộng quy mô sản xuất vào năm 1989 khi họ đầu tư gần 230 triệu USD để thiết lập dây chuyền chế tạo thứ hai. Dây chuyền mới này chủ yếu dành cho việc sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tĩnh (SRAM), một loại bộ nhớ bán dẫn nhanh tương đối đắt tiền và tiết kiệm điện. Đến cuối năm 1990, Đài Loan đã có tám công ty sản xuất vi mạch mà hầu hết đều thuộc sở hữu nội địa” (Du Lam, 2021).

Lỗ hổng lớn còn lại trong dòng sản phẩm chất bán dẫn của Đài Loan là sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM). Đây là bộ nhớ có giá thành sản xuất rẻ hơn SRAM và đóng vai trò là bộ nhớ chính của hầu hết các máy tính cá nhân (Du Lam, 2021). Tuy nhiên, lỗ hổng này đã được lấp đầy vào năm 1989 khi tập đoàn Acer của Đài Loan liên doanh với Texas Instrumnents Inc của Mỹ. Ban đầu, công nghệ sản xuất DRAM ở Đài Loan vẫn tụt hậu so với các công ty bán dẫn quốc tế từ ba đến nămnăm. Vì vậy, năm 1992, ERSO đã chuyển giao công nghệ sản xuất SRAM và DRAM cho TSMC và UMC, hai công ty này cũng sớm thành lập dây chuyền sản xuất cho riêng mình (Du Lam, 2021). Đến năm 1995, Đài Loan đã rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ sản xuất chất bán dẫn với các nước xuống còn khoảng một năm. Sự đổi mới kỹ thuật đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này và đến cuối năm 1995, đã có 14 công ty công bố kế hoạch gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất chất bán dẫn của vùng lãnh thổ này. Những sự kiện này đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Trải qua nhiều thập kỷ, Đài Loan đã trở thành quê hương của không ít tên tuổi và hiện được định vị là một trong những mắt xích quan trọng bậc nhất của chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa đẳng cấp thế giới, đặc biệt là với ngành điện tử và chất bán dẫn.

2.    Quá trình phát triển và năng lực công nghệ ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan

Có thể nói, chip bán dẫn là bộ não của ngành công nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong thời đại kỹ thuật số. Phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn là sứ mệnh của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ

XXI. Với độ ứng dụng rộng rãi trong tất cả các ngành công nghệ cao từ thiết bị điện tử, thiết bị y tế, ô tô, máy tính, điện thoại thông minh, cho đến thiết bị truyền thông, internet, vũ khí siêu thanh và công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, điện toán lượng tử... bất chấp Đại dịch Covid-19, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2020 vẫn tăng 6,5% so với năm 2019, đạt 439 tỷ USD (VTV News, 2021). Đài Loan hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất chip bán dẫn và thống trị thị trường chip toàn cầu. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã trải qua ba giai đoạn phát triển:

Giai đoạn đầu tiên là “chuẩn bị và ươm mầm”. Được bắt đầu vào những năm 1960 khi Đài Loan định vị phát triển nền kinh tế  của mình dựa vào xuất khẩu chủ yếu thông qua các công ty tư nhân cỡ nhỏ và vừa, tham gia vào quan hệ sản xuất theo  hợp  đồng với  các công ty sản xuất của Mỹ và châu Âu. Sau khi thành lập các khu chế xuất vào  năm 1965, Đài Loan đã thu hút được các hợp đồng từ các công ty điện tử và bán dẫn của Mỹ đang tìm cách đầu   tư vào lĩnh vực sản xuất giá rẻ ở châu Á khi doanh số thị trường vi mạch trên toàn thế giới tăng vọt. Năm 1966, General Instrument Microelectronics có trụ sở tại Mỹ đã thành lập một doanh nghiệp đóng gói bán dẫn ở Đài Loan và trở thành công ty bán dẫn đầu tiên ở đó (Chang & Hsu, 2000, tr.185). Đến thập niên 1970, giai đoạn gieo mầm đã bén rễ khi Đài Loan chuyển giao thành công công nghệ sản xuất chip bán dẫn toàn cầu thành năng lực sản xuất chip bán dẫn của mình. Đằng sau sự thành công này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của “Viện nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp” (Industrial Technology Research Institute - ITRI). Viện này được thành lập vào năm 1973. Đến năm 1974, ITRI thành lập ERSO và được chính quyền giao nhiệm vụ thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ những công nghệ tốt nhất trên thế giới vào Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã ban hành “Dự án Phát triển Công nghiệp Điện tử” giai đoạn 1 gắn với việc ITRI/ERSO chuyển nhà máy thí điểm của mình vào khu vực tư nhân. Kết quả là UMC được thành lập vào năm 1980 (Mathews, 1997, tr. 33 - 34).

Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn “truyền bá”. Từ khi UMC thành lập đến năm 1990, trong giai đoạn này, với sự tài trợ của chính quyền Đài Loan, các công nghệ và sản phẩm mới được truyền bá tới các công ty tư nhân đang ngày càng đóng vai trò lớn trong việc phát triển ngành bán dẫn nội địa. Đây cũng là giai đoạn mà Đài Loan thành lập “Dự án Phát triển Công nghiệp Điện tử” giai đoạn 2. Đầu năm 1982, UMC chính thức mở cửa và chỉ trong năm đầu tiên công ty này đã đạt được doanh thu 1,5 tỷ đài tệ và xếp thứ nhất về lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các  nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các quốc

 

 

gia ở châu Âu, công nghệ của UMC không chỉ lạc hậu mà còn khó có khả năng mở rộng thị trường. Vi mạch do UMC sản xuất chủ yếu dùng cho các sản phẩm gia dụng đơn giản, chủ yếu tập trung vào thị trường khu vực Đông Nam Á và Hồng Công, trong khi đó, thị trường thế giới lại quan tâm lớn đến các loại vi mạch có tốc độ xử lý nhanh trong các thiết bị điện tử phức tạp như điện thoại thông minh, máy tính xách tay. Hơn nữa, UMC là hãng sản xuất vi mạch duy nhất ở Đài Loan lúc đó, nên nhu cầu của người dùng vượt quá khả năng của nhà cung ứng. Chính vì vậy, nhiều khách hàng của UMC đã phải đặt hàng từ các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc (Yuan, Lo & Hsu, 2019).

Để rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển, năm 1987, chính quyền Đài Loan đã chấp thuận kế hoạch của ITRI mà  người đứng đầu là ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) thành lập TSMC - công ty sản xuất bán dẫn là nhà thầu phụ về mạch tích hợp cỡ lớn cho các hãng thiết kế chip trên thế giới như Apple, Qualcomm, Nvida, Marvell và Huawei. Sau khi thành lập TSMC, ITRI bắt đầu thực thi kế hoạch triển khai công nghệ vi điện  tử nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp bán dẫn đạt được tiêu chuẩn quốc tế và tạo ra một vị thế thích hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan. Vào cuối giai đoạn này, ITRI cũng thành lập một cụm công nghiệp gồm nhiều công ty tham gia vào thiết kế, chế tạo và lắp ráp. Đặc biệt là ITRI thành lập “Công ty Mặt nạ Đài Loan” (Taiwan Mask Corperation –  TMC) nhằm cho phép các hệ thống công nghiệp mạch tích hợp nội địa trở nên hoàn chỉnh hơn.

Giai đoạn thứ ba được gọi là giai đoạn “đâm chồi”. Đây là giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong những thập kỷ tiếp theo. Trong giai đoạn này, khả năng cạnh tranh trong ngành tăng lên đáng kể cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trên quy mô toàn cầu. Mối quan hệ đối tác giữa chính quyền Đài Loan với ngành công nghiệp này ngày càng tăng lên đã làm tăng vai trò của các công ty tư nhân. Đến năm 1995, cụm công nghiệp được phát triển hoàn chỉnh với hơn 180 công ty và chiếm thị phần lớn trên thị trường thế giới. Tổng trị giá của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong năm này đạt 3,3 tỷ USD và chiếm 2,2% thị  phần thế giới (Yuan, Lo & Hsu, 2019). Năm 1999, sản lượng chất bán dẫn của Đài Loan đã vượt 5 tỷ USD và Đài Loan trở thành nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới trước những gã khổng lồ công nghiệp như Anh và Pháp (Mathews, 1997). Bốn năm sau, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã chiếm tới gần 80% thị phần toàn cầu và chính thức trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn số 1 thế giới (Yuan, Lo & Hsu, 2019). Theo ITRI, tính đến năm 2020, Đài Loan có 13 công ty sản xuất tấm wafer như TSMC, UMC, PSMC, Vanguard, Episil, Mosel, AMPI, Win Semiconductors, Nuvoton, AWSC và nhà sản xuất bộ nhớ như Winbond, MXIC và Nanya Technology. Trong đó, TSMC là công ty sản xuất vi mạch hàng đầu tại Đài Loan với doanh thu 45,5 tỷ USD. UMC giữ vị trí thứ hai với doanh thu đạt 5,98 tỷ USD. TSMC hiện đang sản xuất chip cho các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Intel, Nvidia, AMD và Qualcomm.

Yếu tố tạo nên sự thành công của TSMC có thể tóm tắt ngắn gọn là do tài năng lãnh đạo của ông Trương Trung Mưu. Ông đã đề ra một chiến lược phát triển đặc biệt đó là chỉ thuần tuý sản xuất theo đơn đặt hàng mà không áp đặt bất cứ điều kiện nào, không chuyển giao bản quyền thiết kế, không ưu tiên cho riêng ai và đảm bảo thời gian giao hàng. Đây là chiến lược duy nhất cho ngành bán dẫn Đài Loan khi mà hầu như tất cả các lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu, thiết kế và sở hữu bản quyền phát minh về chip bán dẫn bắt đầu từ con số không. Chiến lược này đã giúp ông tạo cho mình một sân chơi mặc sức tung hoành, để từ đó không chỉ phát triển riêng TSMC mà còn xây dựng cả một nền công nghiệp bán dẫn hiện đại nhất thế giới cho hòn đảo gần 24 triệu dân. Thời điểm TSMC ra đời (năm 1987) họ mới chỉ sản xuất được những con chip kích thước 3 micron met (3mm) (xem Biểu đồ 1). Tuy nhiên, đến năm 2004, TSMC  đã có thể chế tạo ra những con chip được tính bằng nanomet (nm) - một phép đo siêu nhỏ có kích thước bằng một phần tỷ mét. Khi kích thước bóng bán dẫn càng nhỏ thì số lượng của chúng trên một chip bán dẫn càng lớn, khả năng xử lý dữ liệu càng nhanh và càng ít tốn điện năng. Tiến trình sản xuất chip bán dẫn của TSMC không ngừng được nâng cao, năm 2017, TSMC đã vượt qua tất cả các gã khổng lồ của Mỹ để trở thành công ty số một thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo các chip bán dẫn có kích thước 10nm (N10) (Nguyễn Trung Dân, 2021). Chỉ ba năm sau, vào quý II năm 2020 TSMC sản xuất thành công chip bán dẫn kích thước 5nm (N5) và phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2020. Công nghệ chip 5nm cung cấp tốc độ nhanh hơn khoảng 20% so với công nghệ 7nm (N7 sản xuất năm 2018) và giảm khoảng 40% điện năng. Đối thủ cạnh tranh duy nhất với TSMC trong sản  xuất thương mại những con chip 5nm tiên tiến nhất hiện nay dùng cho iPhone là Samsung Electronics của Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, các nhà máy của TSMC ở miền nam Đài loan đã bắt đầu sản xuất chip công nghệ 3nm (N3). Công nghệ chip N3 nhanh hơn phiên bản trước khoảng 10 - 15% và mức tiêu thụ  điện năng giảm 25 - 35%. Thế hệ chip mới nhất này sẽ khiến các công ty của Mỹ như Intel và Global Foundries tụt hậu ít nhất hai thế hệ. Intel hiện đang sản xuất chip với công nghệ N7 và dự định bắt đầu sản xuất chip công nghệ N3 vào đầu năm 2024. Theo ông Handel Jones, Giám đốc điều hành của công ty International Business Strategies, đến năm 2025, các nhà máy của TSMC ở Đài Loan có thể bắt đầu cung cấp chip N2 cho Apple (Don Clark & Ana Swanson, 2023).

 
   


 

Biểu đồ 1: Sự tiến triển về công nghệ bán dẫn của TSMC Đài Loan

Nguồn: https://www.tsmc.com/english/dedicatedFoundry/technology/logic/l_5nm

 

3.     Vị trí của ngành bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của nó trong cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung Quốc

3.1.   Vị trí dẫn đầu của chuỗi giá trị

“Chuỗi giá trị toàn cầu” (Global value chain) là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó nhiều nước tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng (Hoàng Đức Thân, 2018). Nhìn lại quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan trong những thập kỷ qua, có thể thấy, họ đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ này và tạo dựng vị thế của Đài Loan trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Như đã nêu ở trên, Đài Loan đã phát triển một trong những hệ sinh thái bán dẫn toàn diện nhất trên thế giới và có tính cạnh tranh cao trong các quy trình thử nghiệm, thiết kế và đóng gói. Các khu công nghiệp dựa trên khoa học cũng đóng một vai trò quan trọng trong theo đuổi các cụm liên kết. Khi điện khí hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sự phát triển  của nhiều ngành công nghiệp như ngành ô tô, ngành điện tử, ngành cơ khí... thì nhu cầu về chất bán dẫn cho các thiết bị điện tử sẽ tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp Đài Loan đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong thiết kế phần cứng, phát triển sản xuất phần mềm, quản lý sản xuất, dịch vụ hậu cần toàn cầu và trong nhiều năm qua họ đã tạo ra các thương hiệu dẫn đầu thế giới. Đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã tạo được chuỗi cung ứng toàn diện, bao gồm cả các phân đoạn thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng, đủ khả năng hỗ trợ cho việc thiết kế, chế tạo, sản xuất và phân phối sản phẩm (Lê Việt Dũng, 2019, tr. 112). Ví dụ như, TSMC không chỉ dẫn đầu trong ngành sản xuất chip bán dẫn nội địa mà còn trở thành công ty sản xuất chip bán dẫn với một tỷ trọng lớn áp đảo trên thị trường toàn cầu. Năm 2002, TSMC đã trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tiên lọt vào nhóm mười công ty sản xuất mạch tích hợp IC bán được sản phẩm rộng rãi trên thị trường thế giới (Lê Việt Dũng, 2019, tr. 116). Đến năm 2011 giá trị hàng hóa chip bán dẫn  của TSMC chiếm 50% toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn nhưng chiếm tới 90% lợi nhuận toàn cầu của cả ngành công nghiệp này (Nguyễn Trung Dân, 2021). Năm 2013, TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip điện thoại di động cho hãng Apple và hiện là nhà cung cấp độc quyền bộ vi xử lý chính của iPhone.

Theo số liệu thống kê của TrendForce, năm 2021, Đài Loan góp mặt bốn trong mười vị trí hàng đầu về thiết kế bán dẫn, chiếm 65% thị phần chất bán dẫn toàn cầu, với giá trị sản lượng đạt 107,53 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng TSMC đã chiếm tới 55% thị phần. Trong khi Samsung của Hàn Quốc chiếm 17% và SMIC của Trung Quốc đại lục chiếm 4% (Xem Biểu đồ 2). Ba công ty này đã chi phối gần 4/5 thị trường chip thế giới, trong đó chỉ có TSMC và Samsung đang nắm giữ công nghệ tiên tiến có thể sản xuất ra những con chip 5nm. Hiện tại, TSMC là nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu những con chip công nghệ dưới 10nm, chiếm 84% doanh thu từ xưởng đúc thuần túy vào năm 2020, đối thủ cạnh tranh là Samsung chiếm 14% doanh thu (VTV News, 2021).

Biểu đồ 2: Các nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới năm 2021 theo thị phần

 
   

 

Nguồn:              https://www.trendforce.com/ presscenter/news/20210305-10693.html

Ngày nay chip bán dẫn được xếp vào một trong những mặt hàng chiến lược quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng sản xuất chỉ sau xăng dầu. Điều đó có nghĩa là bất cứ một sự cố nào dẫn đến trục trặc, gián đoạn trong chuỗi cung ứng các mặt hàng này đều có thể dẫn tới rối loạn sinh hoạt xã hội và sản xuất của nền kinh tế toàn cầu. Giả sử vì một lý do nào đó hãng Apple của Mỹ ngừng sản xuất điện thoại thông minh iPhone trong vài tuần thì tác động của nó đối với người dân trên thế giới là không đáng kể, thậm chí là không cảm nhận được. Tuy nhiên, nếu TSMC ngừng sản xuất chip bán dẫn trong vài tuần thì ngay lập tức có hàng trăm xí nghiệp, nhà máy sản xuất trên thế giới sẽ bị ngừng trệ, thậm chí phải đóng cửa. Bởi hầu hết người dân trên thế giới đều sử dụng các thiết bị điện tử trong sinh hoạt đời thường và số lượng không nhỏ người dân sử dụng chúng cả trong công việc hàng ngày, chẳng hạn như máy tính, điện thoại. Các đồ dùng điện tử này hầu hết được điều khiển và xử lý bởi các con chip bán dẫn. Dù rất nhỏ nhưng chúng lại đóng vai trò như là linh hồn của các thiết bị đó. Vì vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả các vật dụng có sử dụng chip bị trục trặc? Điều đầu tiên có thể thấy các vật dụng bất ly thân của hàng tỷ người như điện thoại thông minh, máy tính xách tay sẽ bị vô hiệu hóa. Tiếp đó, các đồ dùng gia dụng như tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, thậm chí các phương tiện giao thông như xe hơi, máy bay, tàu bè và cả các máy móc, thiết bị y tế, máy rút tiền của hệ thống ngân hàng cũng bị tê liệt, kéo theo đó là toàn bộ chuỗi cung ứng cho các ngành này cũng tê liệt theo.

3.2.     Vai trò quan trọng của công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ về công nghệ

Ngày nay ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu được ví như A-rập Xê-út của những năm 1990. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ

G.H.W. Bush đã thành lập một liên minh gồm 35 nước chống lại Iraq để bảo vệ dòng chảy các giếng dầu của A-rập Xê-út không bị gián đoạn, thì ngày nay Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang thành lập một liên minh quốc tế (liên minh chip 4 bao gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm bảo vệ Đài Loan và ngăn chặn Trung Quốc phá vỡ chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Nếu kết hợp được sức mạnh của mỗi thành viên chip 4 sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng chip bán dẫn hoàn chỉnh từ khâu thiết kế, sản xuất, đóng gói và phân phối sản phẩm. Nó cũng là chìa khóa quan trọng giúp Mỹ đối trọng với những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Trên thực tế, Đài Loan có những ưu thế về công nghệ bán dẫn mà cả Trung Quốc và Mỹ đều không có. Chính vì thế cả hai siêu cường này đều phụ thuộc nghiêm trọng vào công nghệ cao của Đài Loan. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chip bán dẫn lớn nhất thế giới nhưng hơn 80% nguồn cung chip, đặc biệt là những chip công nghệ cao phải nhập khẩu hoặc được sản xuất bởi các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay vẫn còn kém xa so với đối thủ Đài Loan. Công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC đã phải mất 15 năm để đạt được vị trị của TSMC Đài Loan mười năm trước (Cẩm Anh, 2022). Công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Intel hiện mới đang sản xuất được chip 7nm. Nỗi lo hàng đầu của Washington lúc này là phải phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục ngày càng gia tăng căng thẳng, trong khi phía Trung Quốc luôn khẳng định sẽ thu hồi vùng lãnh thổ này. Trong trường hợp Trung Quốc thu hồi Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng chip tiên tiến trên thế giới. Trung Quốc có thể sẽ quốc hữu hóa TSMC và kiểm soát công nghệ mà trước đây họ chưa có. Đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn. Chính vì vậy, Mỹ đã lôi kéo được TSMC xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ) vào giữa năm 2021. Nhà máy này sử dụng công nghệ 5nm và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024. Đối với Mỹ, việc duy trì chính quyền hiện tại ở Đài Loan đủ lâu để nó có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa có ý nghĩa sống còn với vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Với Đài Loan, việc nắm trong tay công nghệ bán dẫn tiên tiến - một tài sản mang tính chiến lược, không những đảm bảo cho kinh tế của vùng lãnh thổ này có vị thế đặc biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là chiếc ô bảo đảm an ninh cho hòn đảo trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, một khi cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ đi quá giới hạn, tài sản này có thể trở thành ngòi nổ cho những xung đột tiềm tàng, thậm chí là bằng vũ lực (Nguyễn Thị Hải Yến, 2022).

4.  Thay lời kết

Với lợi thế về năng lực sản xuất chip bán  dẫn tiên tiến, Đài Loan đã và đang tạo ra đòn bẩy kinh tế và chính trị cho mình. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy nền kinh tế toàn  cầu  vào tình trạng dễ tổn thương bởi ngày càng phụ thuộc vào hòn đảo trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử của người tiêu dùng trên thế giới tăng cao, công nghệ lại đòi hỏi những con chip phức tạp trong khi nguồn cung ngày càng phụ thuộc vào một công ty duy nhất thì vai trò thống trị của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan lại càng trở nên rõ ràng hơn. Các quốc gia phát triển trong đó có Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc đều phải tìm đến Đài Loan để giải quyết nút thắt trong hoạt động sản xuất chip bán dẫn. Sự phụ thuộc này có thể tốt về mặt kinh tế đối với Đài Loan nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mặt an ninh của hòn đảo. Trong ngắn hạn, để kiềm chế sự phát triển của đối phương, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng phát triển nhanh ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu Trung Quốc không đạt được những tiến bộ công nghệ bán dẫn mang tính đột phá thì việc thu hồi Đài Loan sẽ là con đường duy nhất để Trung Quốc chiếm lợi thế chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây. Đối đầu Trung Quốc - Mỹ trong lĩnh  vực  công nghệ bán dẫn trở thành đối đầu vũ lực tại  Đài Loan là hiện hữu và tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất ổn địa chính trị cho khu vực trong tương lai♦

 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Cẩm Anh (2022). Cuộc chiến bán dẫn và vai trò của Đài Loan, Kinh tế & Đô thị, 17/8/2022, https://kinhtedothi.vn/cuoc-chien-chat-ban-dan-va-vai-tro-cua-dai-loan.html.
  2. Nguyễn Trung Dân (2021). “Người gây dựng nền công nghiệp chip bán dẫn của Đài Loan”, Tạp chí điện tử Người Đô Thị, 24/5/2021, https://nguoidothi.net.vn/nguoi-gay-dung-nen-cong-nghe- chip-ban-dan-cua-dai-loan-28730.html.
  3. Lê Việt Dũng (2019). Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghệ thông tin: Kinh nghiệm của Đài Loan, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Du Lam (2021). “Thần kỳ Đài Loan và lời giải từ sản xuất công nghệ cao”, Công nghệ số & truyền thông, chuyên trang của báo Vietnamnet, 27/8/2021, https://ictnews.vietnamnet.vn/than- ky-dai-loan-va-loi-giai-tu-san-xuat-cong-nghe-cao-v769523.html.
  5. Phương Linh (2023). “Mỹ muốn tự chủ về chip nhưng tiền nhiều là chưa đủ”, Tạp chí Tri thức trực tuyến,

3/1/2023, https://zingnews.vn/my-muon-tu-chu-ve-chip-nhung-tien-nhieu-la-chua-du-post1390339.html

  1. Ngô Việt Nguyên (2020). “Khía cạnh địa chính trị của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan”, Nghiên cứu Quốc tế, 14/7/2020, https://nghiencuuquocte.org/2020/07/14/khia-canh-dia-chinh-tri- cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan-dai-loan/.
  2. Hoàng Đức Thân (2018). “Kinh doanh thương mại”, Giáo trình Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Nguyễn Thị Hải Yến (2022). “Vai trò của Đài Loan trong cạnh tranh Mỹ - Trung về công nghiệp bán dẫn”, Tạp chí châu Mỹ ngày nay, số
  4. VTV News (2021). “Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn”, https://vtv.vn/kinh-te/nong-cuoc-dua-san- xuat-chat-ban-dan-20211120053338239.htm.
  5. Chang Pao-long & Hsu Chiung-wen (2000). Evolution of Technology Development Strategies for Taiwan’s Semiconductor Industry: Formation of Research Consortia, Industry and Innovation, 7, No. 2, Dec. 12.
  6. Chen Been-Ion (2011). “Inside the Taiwan miracle”, Taiwan today, 1/6/2011, https://taiwantoday.tw/news.php?post=13965&unit=8.
  7. Chen Jinji, Hong-yu Lin & Yi-ting Lien (2021). “Taiwan’s shifting role in the global supply chain in the US-China trade war”, Joint US-Korea Academic Studies, https://keia.org/publication/taiwans- shifting-role-in-the-global-supply-chain-in-the-u-s-china-trade-war/.
  8. Don Clark & Ana Swanson (2023). “US pours money into chips but even soaring spending has limits”, The New York Times, 1/1/2023, https://www.nytimes.com/2023/01/01/technology/us- chip-making-china-invest.html.
  9. Mathews John A. (1997). A Silicon Valley of the East: Creating Taiwan’s Semiconductor Industry”, California Management Review, quyển 39, số
  10. Yuan Jiang-chung, Lo Ta-hsien & Hsu Chiung-wen (2019). “Đài Loan: Từ gia công đến nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới”, https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/quy-khcn-cua-doanh- nghiep-nhung-vuong-mac/2022061603066619p1c785.htm.

 

Vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động mua sắm, sản xuất và phân phối trong chuỗi cung ứng dược phẩm của Mỹ

  • TRẦN MINH NGUYỆT, Viện nghiên cứu châu Mỹ

** TRẦN QUANG MINH, Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương

 (Bài viết đã đăng trên Tạp chí Những vấn đề kinh tế và Chính trị thế giới, số 5 (2023)

 

Tóm tắt: Ngành dược phẩm là một phần không thể thiếu của hệ thống chăm sóc sức khỏe, đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Vào thời điểm mà người tiêu dùng Mỹ quan tâm hơn bao giờ hết đến giá thuốc kê đơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ, thì việc áp dụng các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vào các hoạt động mua sắm, sản xuất và phân phối trong chuỗi cung ứng dược phẩm sẽ giúp cải thiện các quy trình hoạt động, giúp doanh nghiệp thích nghi và nhanh nhạy hơn, độ chính xác của việc lập kế hoạch, hiệu quả và năng suất sản xuất, mức tồn kho và mức độ dịch vụ được cải thiện.

Từ khoá: Ngành công nghiệp dược, chuỗi cung ứng thuốc, Cách mạng công nghiệp 4.0, Mỹ.

 

 

Công nghiệp 4.0 là tương lai của ngành sản xuất toàn cầu. Đó là kỷ nguyên  của tự động hóa, của nhà máy số hóa và các sản phẩm số hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt nguồn từ lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên nó có những tác động sâu rộng đối với chuỗi cung ứng. Có ba giai đoạn truyền thống trong chuỗi cung ứng: Mua sắm, sản xuất và phân phối. (Thomas, D. J. and Griffin P.M, 1996). Bài viết phân tích tác động của công nghiệp 4.0 đến ba giai đoạn cơ bản trong chuỗi cung ứng dược phẩm của Mỹ bao gồm: Mua sắm, sản xuất và phân phối dược phẩm.

Việc triển khai các công nghệ tiên tiến nhất của ngành công nghiệp 4.0 vào các hoạt động mua sắm, sản xuất và phân phối dược phẩm của các công ty Mỹ đã được triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đó là một phần của xu hướng chuyển đổi số sâu rộng trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, đặc biệt xu hướng này càng được đẩy nhanh trên diện  rộng sau  đại dịch Covid-19. Đại dịch buộc các nhà máy chế biến phải tìm cách duy trì hoạt động trong điều kiện làm việc từ xa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời, đối phó với chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Áp dụng các công nghệ 4.0 vào từng quy trình trong chuỗi cung ứng dược phẩm sẽ giúp các quy trình mua sắm, sản xuất và phân phối trong chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả hơn với vật liệu tốt hơn và luồng thông tin dẫn đến một chuỗi cung ứng dược phẩm thông minh, chính xác, đáng tin cậy, nhanh nhẹn và bền vững hơn (Shao, Xue-Feng, Liu, Wei, 2021).

1. Khái quát về hoạt động mua sắm, sản xuất và phân phối dược phẩm của Mỹ

Hoạt động mua sắm dược phẩm

Chuỗi cung ứng dược phẩm liên quan đến các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà phân phối, hệ thống chăm sóc sức khỏe và hiệu thuốc. (Ding, Baoyang, 2018). Trong số này, quy trình mua sắm dược phẩm bao gồm quá trình tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá các nhà cung cấp, tìm kiếm nhà cung cấp tốt nhất để mua sắm hàng hóa như nguyên liệu thô, máy móc, thiết bị... để sản xuất nguyên liệu trung gian và quản lý hoạt động của họ. (Zhang, Hu.a., Fan, 2020).

Hoạt động sản xuất dược phẩm

  • Sản xuất nguyên liệu trung gian

Các nguyên liệu thô, chẳng hạn như dung môi, thuốc thử và các hóa chất khác, được kết hợp bởi một loạt các phản ứng và sau đó được tinh chế để tạo ra các thành phần dược phẩm hoạt tính (API)2, hoặc các sản phẩm API trung gian3, có độ tinh khiết cao và không chứa tạp chất có hại.

  • Sản xuất dạng bào chế thành phẩm (FDF)

Các cơ sở sản xuất thuốc kết hợp các API với các thành phần không hoạt động khác nhau (các thành phần thực tế phụ thuộc vào loại dạng bào chế cuối cùng, có thể bao gồm nước, lactose và xenluloza vi tinh thể), hình thành nên các dạng bào chế hoàn chỉnh (FDF) (ví dụ: viên nén hoặc chất lỏng).

Hoạt động phân phối dược phẩm

Việc phân phối dược phẩm (dạng bào chế thành phẩm FDF) từ nhà sản xuất đến bệnh nhân là một quá trình khá phức tạp, có thể phân phối trực tiếp đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc phân phối qua các trung gian như nhà bán buôn hoặc nhà cung cấp hậu cần bên thứ ba. Các nhà phân phối bán buôn sơ cấp và thứ cấp đôi khi được gọi là “nhà phân phối được ủy quyền”, được các nhà sản xuất dược phẩm thiết lập mối quan hệ liên tục để phân phối sản phẩm của họ. (Hemphill.T, 2013). Tại thị trường Mỹ, có ba nhà bán buôn lớn trên toàn quốc (AmerisourceBergen, Cardinal Health, và McKesson), một vài nhà bán buôn khu vực và hàng nghìn nhà bán buôn thứ cấp.

2. Vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với hoạt động mua sắm dược phẩm của Mỹ

Quá trình tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá các nhà cung cấp tốt nhất để mua sắm nguyên liệu thô, máy móc, thiết bị... phục vụ sản xuất nguyên liệu dược phẩm trung gian cần có bộ tiêu chí đánh giá và đo lường. Các tiêu chí lựa chọn và đo lường hiệu quả các nhà cung cấp bao gồm: Chi phí hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt, nguồn cung ứng hiện đại (tức là các nhà cung cấp có khả năng cung cấp các công nghệ tiên tiến, đổi mới hợp tác, thỏa thuận mua hàng dài hạn, hợp đồng quan hệ chính thức để giải quyết vấn đề khó khăn trong các tình huống không chắc chắn và gián đoạn chuỗi cung ứng), hệ thống đặt hàng dựa trên công nghệ điện toán đám mây4, trao đổi dữ liệu điện tử, đặt hàng trực tuyến, thu mua tự động và mối quan hệ người mua - nhà cung cấp bền chặt (Scuotto, Veronica, Caputo, Francesco, 2017). Các công nghệ 4.0 có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà cung cấp trên thị trường và quảng bá sản phẩm nguyên liệu của họ, đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất theo đuổi việc ra quyết định. Bên cạnh đó, các công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ nhà cung cấp tìm đối tác và dịch vụ thông minh, quản lý mối quan hệ giữa các nhà cung cấp dựa trên trí tuệ nhân tạo AI5, chữa bệnh chuyên nghiệp thông minh, hồ sơ dữ liệu thị trường dựa trên công nghệ blockchain6 và quản lý rủi ro dựa trên hệ thống điện toán đám mây giúp thúc đẩy quá trình tìm nguồn cung ứng dược phẩm một cách hiệu quả. (Bag, Surajit, Wood, Lincoln C., 2020).

3. Vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với hoạt động sản xuất dược phẩm của Mỹ

Các công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất dược phẩm nâng cấp từ sản xuất theo lô truyền thống (với rất ít hoặc không có liên quan đến tự động hóa) sang sản xuất thông minh liên tục. (Rossetti, Christian L., 2014). Sự thay đổi này sẽ yêu cầu tích hợp tất cả các quy trình trong một nền tảng tập trung, giúp tự động hóa, thu thập dữ liệu thời gian thực để phân tích và kiểm soát sâu hơn. (Poongodi, T., Agnesbeena, 2020). Bên cạnh đó, việc thực hiện các công nghệ 4.0 sẽ giúp thiết lập một quy trình sản xuất thông minh đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn, ít khuyết tật, sử dụng tài nguyên và công suất tối ưu, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, chất lượng cao, chi phí tối ưu, giảm lãng phí nguyên liệu và tiêu thụ năng lượng. (Pozzi, Rossella, Rossi, 2021).

Các công cụ của công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data)7 giúp thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu thời gian thực liên quan đến quy trình sản xuất, dữ liệu môi trường, dữ liệu kiểm tra chất lượng trực tuyến, v.v. Sau đó, những dữ liệu này có thể được chia sẻ đến toàn bộ các thành viên trong chuỗi cung ứng thông qua  công nghệ điện toán đám mây trong khi vẫn đảm bảo an toàn và bảo mật của dữ liệu thông qua công nghệ blockchain. Điều thú vị là các thuật toán AI/Học máy (ML)8 có thể dự đoán các lỗi máy và giúp bảo trì. Ngoài các công cụ này, công nghệ in 3D9 có thể được sử dụng trong các tình huống hạn chế về nguồn lực cho phép sản xuất và thử nghiệm nhanh chóng hoặc để sản xuất thuốc cá nhân hóa sử dụng khẩn cấp trong các khoa cấp cứu và xe cứu thương. (Norman, James, Madurawe, 2017).

Các công ty sản xuất dược phẩm của Mỹ mới chỉ bắt đầu áp dụng các công nghệ 4.0 trong những năm gần đây và chủ yếu sử dụng phương pháp sản xuất theo lô truyền thống trong hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, phương pháp xử lý theo lô truyền thống đã được chứng minh là một phương pháp tốn kém thời gian: Sau mỗi bước trong quy trình sản xuất thường phải dừng lại để kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đôi khi trong khoảng "thời gian tạm giữ" này, vật liệu có thể được lưu trữ trong các thùng chứa hoặc thậm chí được vận chuyển đến các  cơ sở ở các quốc gia khác, để hoàn tất quá trình sản xuất. Mỗi lần như vậy sẽ làm tăng thời gian thực hiện và có thể làm tăng khả năng bị lỗi.

Tuy nhiên, tương lai của ngành sản xuất dược phẩm Mỹ đang thay đổi nhờ các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vào năm 2016, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát hành một thông báo rằng họ đang khuyến khích các nhà sản xuất dược phẩm chuyển từ sản xuất theo lô truyền thống sang sản xuất liên tục, do có nhiều ưu điểm. Sự khuyến khích này cũng đến đúng thời điểm thế giới đang bước vào kỷ nguyên của y học chính xác (cá nhân hóa), tức là thuốc phải được sản xuất với các tính năng độc đáo và được cung cấp nhanh hơn cho những bệnh nhân có nhu cầu.

Để sản xuất thuốc cá nhân hóa, các nhà máy dược không còn phải sản xuất theo lô lớn mà sản xuất nhỏ lẻ, phù hợp với một nhóm ít người cần một loại thuốc nhất định với liều lượng nhất định. Sản xuất theo lô chắc chắn không phải là giải pháp cho những nhu cầu này, mà là sản xuất liên tục được kết nối, thông minh, linh hoạt và chính xác. Trong ngành sản xuất dược phẩm, sản xuất liên tục là việc di chuyển tất cả các chất liên tục trong cùng một cơ sở, do đó loại  bỏ thời gian tạm giữ giữa các bước khác nhau trong quy trình; các vật liệu được cung cấp thông qua một dây chuyền lắp ráp tích hợp đầy đủ các thành phần. Sản xuất liên tục tiết kiệm thời gian, giảm khả năng xảy ra sai sót của con người và có thể phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường. Ngoài việc các cơ quan quản lý Mỹ khuyến khích các công ty sản xuất dược phẩm chuyển sang sản xuất thuốc chính xác, các lực lượng thị trường cũng tác động đến ngành dược, đòi hỏi ngành này phải triển khai công nghệ 4.0 và sản xuất liên tục: sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khi các loại thuốc gốc gia nhập thị trường; nhu cầu về chất lượng thuốc cao; kéo dài vòng đời thuốc ngắn hơn; và nhu cầu giảm chi phí cao của sản xuất hàng loạt.

Vậy, những công ty dược phẩm nào của Mỹ đã áp dụng những tiến bộ mà Công nghiệp 4.0 mang lại. Dưới đây là minh hoạ về các công ty dược phẩm của Mỹ đang áp dụng các công nghệ sản xuất liên tục:

 

Hộp 1: Các công ty dược phẩm của Mỹ đang áp dụng các công nghệ sản xuất liên tục

Đơn vị sản xuất thuốc Janssen của Johnson & Johnson đã làm việc trong quá trình sản xuất liên tục trong 5 năm và đã được FDA chấp thuận chuyển từ sản xuất theo lô sang sản xuất liên tục vào năm 2016. Điều này nhằm sản xuất thuốc HIV Prezista (fiercepharma.com).

Novartis - Novartis đã tham gia chương trình hợp tác nghiên cứu kéo dài 10 năm với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 2007 (pharmafile.com). Sự hợp tác này đã mang lại hai dự án:

CONTINUUS Pharmaceuticals: Với mục đích tạo ra các công nghệ sản xuất dược phẩm mới liên tục.

Technikum: Novartis cũng đã bắt đầu chuyển giao công nghệ từ CONTINUUS Pharmaceuticals sang đơn vị sản xuất mới liên tục, được đặt tên là “Technikum”, đặt tại Basel (Continuspharma.com), với mục đích là thử nghiệm các ý tưởng và thiết bị mới (Outsourcedpharma.com).

Vertex: Vertex, nhà sản xuất thuốc chữa bệnh xơ nang, Orkambi, đã sử dụng quy trình sản xuất liên tục kể từ tháng 7 năm 2015 (blog.fda.gov).

Eli Lilly: Trang web của Eli Lilly ở Ireland đã đạt được một bước quan trọng, sử dụng quy trình sản xuất liên tục đầu tiên trong ngành để tạo ra một hợp chất cho các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II (chemistryworld.com ).

Glatt: Các hệ thống xử lý liều lượng rắn liên tục của Glatt đang hoạt động tại Trung tâm đổi mới của nó ở Binzen, Đức, được khánh thành vào tháng 11 năm 2016 (pharmtech.com).

Lonza: Lonza đã triển khai công nghệ dòng chảy liên tục trong quy trình sản xuất thành phần dược phẩm hoạt tính có hiệu quả cao (HPAPIs) của mình (lonza.com).

GSK: Vào năm 2014, GSK đã bắt đầu một nhà máy thử nghiệm liên tục Upper Providence (Pharmaceuticalonline.com).

Pfizer: Vào tháng 5 năm 2017, Pfizer chính thức khai trương nhà máy sản xuất máy tính bảng hiện đại, sản xuất liên tục tại Freiburg (gesundheitsindustrie-bw.de). Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, việc sản xuất hàng loạt đã bị dừng lại do lệnh của các cơ quan quản lý (in- pharmatechnologist.com).

Nguồn: Eli Pelleg, COO, and Ilana Weissberg Doron, The Impact of Industry 4.0 on the Pharma Industry, The Impact of Industry 4.0 on the Pharma Industry (tefen.com), truy cập 8/9/2022.

 

 

Tóm lại, các nhà máy sản xuất dược phẩm Mỹ đang hướng tới việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sản xuất liên tục. Với sự khuyến khích của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), các nhà máy sản xuất dược phẩm hiện đang trên đà bắt kịp các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như chất bán dẫn. Mặc dù các ví dụ trên là về các công ty dược phẩm lớn, nhưng ngày nay các công nghệ 4.0 đã có sẵn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẵn sàng được triển khai - và cho phép họ trở thành những nhà sản xuất tiên tiến.

4. Vai trò của cuộc CMCN 4.0 đối với hoạt động phân phối dược phẩm của Mỹ

Quy trình phân phối dược phẩm từ cơ sở sản xuất đến nhà kho, nhà thuốc và hệ thống chăm sóc sức khỏe phải minh bạch, có thể truy xuất nguồn gốc và được điều phối tốt (Settanni, Ettore, Harrington, 2017). Để đảm bảo dược phẩm đến tay đúng bệnh nhân, đúng lúc, đúng giá, đúng chất lượng và đúng số lượng, quá trình phân phối cần có một cuộc cách mạng. Các công nghệ như RFID10, và blockchain có thể giúp lưu giữ hồ sơ của tất cả các mặt hàng đã gửi đi (Orji, Ifeyinwa Juliet, 2020). Hơn nữa, điện toán đám mây có thể giúp chia sẻ thông tin chi tiết trên toàn bộ chuỗi cung ứng dược phẩm trong khi vẫn duy trì tính bảo mật. Công nghệ IoT và GPS có thể theo dõi lô hàng, ngăn chặn hành vi trộm cắp và giám sát thời gian giao hàng (Jain, Anjali, Sharma, Deepak Kumar, 2020). Công nghệ AI / ML và phân tích dữ liệu có thể tối ưu hóa tuyến đường dựa trên thời gian và chi phí, dự báo trở lại của các mặt hàng bằng cách theo dõi ngày hết hạn và giảm thiểu chi  phí vận chuyển hàng hóa. Thông qua hệ thống vật lý mạng11, các chỉ số nhạy cảm như nhiệt độ, áp suất không khí và độ ẩm có thể được đo và các giá trị bất thường được báo cáo tự động để ngăn ngừa hư hỏng. Logistics thông minh có thể tiết kiệm nhiều chi phí vận hành hơn trong giao hàng, tối ưu hóa thời gian giao hàng và giảm thiểu tác động đến môi trường (Alicke, Knut, Rexhausen, 2017). Cuối cùng, vận chuyển thông qua máy bay không người lái  giúp giải quyết việc giao hàng chặng cuối cùng và cũng đảm bảo giao hàng khẩn cấp.

Đối với quá trình tiêu thụ dược phẩm tại các hiệu thuốc và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các hiệu thuốc và hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ cố gắng thu được lợi ích với việc triển khai các công nghệ 4.0, do đó đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả. Kê đơn số, theo dõi và giám sát hiệu quả của thuốc, cảnh báo thời gian thực đối với quá trình sản xuất về tác dụng phụ của thuốc, lập kế hoạch và dự báo nhu cầu, quản lý hàng tồn kho, đặt hàng trực tuyến, chia sẻ dữ liệu nhu cầu thời gian thực ở tất cả các cấp của chuỗi cung ứng dược phẩm, theo dõi ngày hết hạn và trả về các mặt hàng hết hạn để phân phối lại và các mặt hàng bị thu hồi để xử lý, là một số chức năng có thể được thực hiện hiệu quả bằng cách áp dụng các công nghệ 4.0 trong hệ thống chăm sóc sức khỏe (Aceto, Giuseppe, Persico, 2020). Điều này đã giúp dược sĩ và các nhà quản lý chăm sóc sức khỏe của Mỹ đưa ra các quyết định hoạt động tốt hơn và cải thiện hiệu quả dịch vụ.

Tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những lợi ích đáng kể cho các hoạt động mua sắm, sản xuất và phân phối trong chuỗi cung ứng dược phẩm của Mỹ. Dược phẩm là một trong những ngành thay đổi nhanh nhất vào năm 2020, với việc áp dụng các công nghệ số mới được đẩy mạnh triển khai, từ hàng năm xuống hàng tuần hoặc thậm chí vài ngày trong thời kỳ đại dịch. Ngành công nghiệp dược phẩm của Mỹ được dự đoán sẽ chi hơn 4,5 tỷ USD cho chuyển đổi số vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27% và những kỳ vọng xung quanh tác động của nó là rất cao, (Zhang, Hu.a., Fan, Taojian, 2020).

Các nhà điều hành hy vọng các nhà máy thông minh có thể tiết kiệm khoảng 20% chi phí, bao gồm chi phí liên quan đến sản phẩm kém chất lượng. Công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp McKinsey dự đoán rằng dược phẩm 4.0 có thể thúc đẩy sản xuất tăng lên đến 200% so với khả năng hiện nay, và lưu ý rằng số hóa và tự động hóa đã giúp giảm hơn 65% độ lệch tổng thể, 90% thời gian đóng cửa và 60-90% độ trễ thử nghiệm, (Lyat Avidor Peleg, 2021).

Tuy nhiên, các công ty dược phẩm Mỹ vẫn còn một khoảng cách số hóa khá xa so với các công ty dẫn đầu trong ngành bán lẻ. Báo cáo của ABI Research kết luận rằng “hiện tại, các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ đang ở Giai đoạn 2, có nhà máy hiện đại nhưng thiếu tầm nhìn xa và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất, hoặc Giai đoạn 3 nơi họ bắt đầu thực hiện chuyển đổi số nhưng thiếu chuyên môn trong việc cấu hình lại dây chuyền sản xuất. Trong thập kỷ tới, nhiều công ty sẽ nâng cấp các cơ sở hiện có hoặc xây dựng các khu vực xanh, và hoạt động của họ sẽ được chuyển đổi số sang (Giai đoạn 4) hoặc hoạt động mà không cần sự có mặt của con người (Giai đoạn 5)”. (Lyat Avidor Peleg, 2021)♦

 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Aceto, Giuseppe, Persico, Valerio, Pescap´e, Antonio, (2020). Industry 0 and health: internet of things, big data, and cloud computing for healthcare 4.0. J. Ind. Inf. Integr. 18, 100129. Truy cập ngày 12/5/2022 tại, https://doi.org/10.1016/j.jii.2020.100129.
  2. Alicke, Knut, Rexhausen, Daniel, Seyfert, Andreas, (2017). Supply chain 4.0 in consumer goods. McKinsey & Company.                         Truy           cập           ngày           4/7/2022           tại, https://mckinsey.com/industries/consumer-pac kaged-goods/our-insights/supply-chain-4-0- in-consumer-goods.
  3. Bag, Surajit, Wood, Lincoln C., Mangla, Sachin K., Luthra, Sunil, (2020). Procurement 0 andits implications on business process performance in a circular economy. In: Resources, Conservation & Recycling, 152 (September 2019). Elsevier. Truy cập ngày 23/6/2022 tại, https://doi. org/10.1016/j.resconrec.2019.104502.
  4. Ding, Baoyang, (2018). Pharma Industry 4.0: literature review and research opportunities in sustainable pharmaceutical supply chains. Process. Environ. Prot. 119, 115–130.
  5. Hemphill, (2013). U.S. Pharmaceutical Gray Markets: Why Do They Persist—and What to Do about Them? Business and Society Review 121:4 529–547, 2016
  6. Holmström, J., and T. Gutowski (2017). Additive Manufacturing in  Operations  and  Supply Chain Management: No Sustainability Benefitor Virtuous Knock-on Opportunities?. Journal of Industrial Ecology, published doi:10.1111/jiec.12580.
  7. Jain, Anjali, Sharma, Deepak Kumar, (2020). Chapter 3 - transforming pharma logistics with the Internet of Things. In: Balas, Valentina Emilia, Solanki, Vijender Kumar, Raghvendra, T. (Eds.), An Industrial IoT Approach for Pharmaceutical Industry Growth Kumar. Academic Press, pp. 55–85.
  8. Jain, Anjali, Sharma, Deepak Kumar, (2020). Chapter 3 - transforming pharma logistics with the Internet of In: Balas, Valentina Emilia, Solanki, Vijender Kumar, Raghvendra, B.T. (Eds.), An Industrial IoT Approach for Pharmaceutical Industry Growth Kumar. Academic Press, pp. 55– 85. https://doi.org/10.1016/B978-0-12- 821326-1.00003-6.
  9. Li, Ying, Dai, Jing, Cui, Li, (2020). The impact of digital technologies on economic and environmental performance in the context of Industry 0: a moderated mediation model. In: International Journal of Production Economics, 229. Elsevier B.V. Truy cập ngày 15/8/2022 tại, https:// doi.org/10.1016/j.ijpe.2020.107777 (March).
  10. Lyat Avidor Peleg, (2021). Digital Transformation & Industry 0 in Pharma. Truy cập ngày 9/7/2022 tại, https://www.precog.co/blog/digital-transformation-industry-4-0-in-pharma/

 

 

  1. Mitra, A., Kundu, A., Chattopadhyay, and Chattopadhyay,  S.  (2017), A  cost-efficient  one-time password-based authentication in cloud environment using equal length cellular automata, Journal of Industrial Information Integration, Vol. 5, pp. 17-25
  2. Modestus Okwu và cộng sự (2020). A review of the effect of Industry 0 on supply chain systems. Truy cập ngày 15/8/2022 tại, https://www.researchgate.net/publication/ 354555200_A_review_of_the_effect_of_Industry_40_on_supply_chain_systems.
  3. Norman, James, Madurawe, Rapti , Moore, Christine M.V., Khan, Mansoor A., Khairuzzaman, Akm, (2017). A new chapter in pharmaceutical manufacturing: 3Dprinted drug products. Adv. Drug Deliv. Rev. 108, 39–50. Truy cập ngày 26/4/2022 tại, https://doi.org/10.1016/j. addr.2016.03.001.
  4. Orji, Ifeyinwa Juliet, Kusi-Sarpong, Simonov, Huang, Shuangfa, Vazquez-Brust, Diego, (2020). Evaluating the factors that influence blockchain adoption in the freight logistics industry. Transp.Res.ELogist.Transp.Rev. 141, 102025. Truy cập ngày 17/6/2022 tại, https://doi.org/ 10.1016/j.tre.2020.102025.
  5. Poongodi, , Agnesbeena, T.L., Janarthanan, S., Balusamy, B., (2020). Chapter 5 - accelerating data acquisition process in the pharmaceutical industry using internet of things. In: Balas, V.E., Solanki, V.K., Raghvendra, B.T. (Eds.), An Industrial IoT Approach for Pharmaceutical Industry Growth Kumar. Academic Press, pp. 117–152. https://doi.org/10.1016/B978-0-12-821326- 1.00005-X. August.
  6. Pozzi, Rossella, Rossi, Tommaso, Secchi, Raffaele, (2021). Industry 0 technologies: critical success factors for implementation and improvements in manufacturing companies. In: Production Planning & Control. Taylor & Francis, pp. 1–21. https:// doi.org/10.1080/09537287.2021.1891481.
  7. Roche (2019). The Nine Pillars of Industry 0 - Transforming Industrial Production, https://circuitdigest.com/article/what-is-industry-4-and-its-nine-technology-pillars.
  8. Rossetti, Christian , Handfield, Robert, (2014). Forces, trends, and decisions in pharmaceutical supply chain management. Truy cập ngày 26/6/2022 tại, https://doi.org/10.1108/ 09600031111147835 no. May.
  9. Schwab, K (2016). The Fourth Industrial Revolution, what it means and how to respond. Truy cập ngày 4/8/2022 tại, https://weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution- what-it-means-and-how-tores pond.
  10. Scuotto, Veronica, Caputo, Francesco, Villasalero, Manuel, Giudice, Manlio Del, (2017). A multiple buyer - supplier relationship in the context of SMEs' digital supply chain management. In: Production Planning & Control, 28 (16). Taylor & Francis, 1378–1388.
  11. Settanni, Ettore, Harrington, Tom´ as Seosamh, Srai, Jagjit Singh, (2017). Pharmaceutical supply chain models: a synthesis from a systems view of operations research. Res.Perspect. 4, 74– 95. Truy cập ngày 30/8/2022 tại, https://doi.org/10.1016/j.orp.2017.05.002.
  12. Shao, Xue-Feng, Liu, Wei, Li, Yi, Chaudhry, Hassan Rauf, Yue, Xiao-Guang, (2021). Multistage implementation framework for smart supply chain management under Industry 0. Technol. Forecast. Soc. Chang. 162, 120354.
  13. Thomas, J. and Griffin P.M. (1996). Coordinated supply chain management. European Journal of Operational Research, 94 (1), pp. 1-15.
  14. Wang, S., Wan, J., Li, D. and Zhang, C (2016). Implementing Smart Factory of Industrie 0 : An Outlook, International Journal of Distributed Sensor Networks 6 (2) 1-10.
  15. Zhang, Hu.a., Fan, Taojian, Chen, Wen, Li, Yingchun, Wang, Bing, (2020). Recent advances of two- dimensional materials in smart drug delivery nano-systems. Bioactive Mater. 5 (4), 1071–1086.

 

Chú thích:

  1. Thành phần Dược phẩm Hoạt tính (API): Bất kỳ chất nào được dùng để kết hợp vào thành phẩm thuốc và nhằm cung cấp hoạt tính dược lý hoặc tác dụng trực tiếp khác trong việc chẩn đoán, chữa bệnh, giảm nhẹ, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật hoặc ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc bất kỳ chức năng nào của cơ thể. Thành phần dược hoạt tính không bao gồm các chất trung gian được sử dụng trong quá trình tổng hợp chất này (Mục 21, Bộ luật Quy định liên bang).

3 API trung gian: Vật liệu được tạo ra trong các bước xử lý API phải trải qua quá trình thay đổi hoặc tinh chế phân tử thêm trước khi trở thành API. Các chất trung gian API có thể bị cô lập hoặc không. Sản phẩm trung gian API chỉ là những sản phẩm được sản xuất sau thời điểm mà một công ty đã xác định là thời điểm bắt đầu sản xuất API. Truy cập ngày 25/7/2022 tại, https://www.fda.gov/regulatory-information/search-fda- guidance-documents/q7-good-man sản xuất thực hành- hướng dẫn-hoạt động-dược phẩm-thành phần-hướng dẫn-công nghiệp.

4 Điện toán đám mây là công nghệ điện toán toàn cầu có khả năng tính toán và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu  theo cách mà các tổ chức có cơ hội cao hơn để mở rộng và hoạt động hiệu quả ở một không gian rộng lớn hơn. (Mitra, A., Kundu, 2017).

5 Trí tuệ nhân tạo (AI) là trí tuệ con người được mô phỏng bởi máy móc.

6 Công nghệ Blockchain là một cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh. Cơ sở dữ liệu chuỗi khối lưu trữ dữ liệu trong các khối được liên kết với nhau trong một chuỗi.

7 Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) là một quá trình số hóa toàn cầu hiện nay bao gồm việc trích xuất kiến thức dưới dạng tập dữ liệu từ các hệ thống, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định theo hướng dữ liệu. (Roche, 2019).

8 Học máy (Machine learning - ML) là ứng dụng các thuật toán để phân tích cú pháp dữ liệu, học hỏi từ nó, và sau đó thực hiện một quyết định hoặc dự đoán về các vấn đề có liên quan (Modestus Okwu và cộng sự, 2020).

9 Công nghệ in 3D, là một quá trình tạo ra vật thể trong không gian ba chiều, vật liệu sẽ được đắp lên và hình thành dưới sự điều khiển của máy tính (Holmström, J., and T. Gutowski, 2017).

10 RFID - Radio Frequency Identification): Là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản  lý hoặc lưu vết từng đối tượng.

11 Hệ thống vật lý mạng (CPS) là công nghệ cốt lõi của dữ liệu lớn công nghiệp và chúng sẽ là giao diện giữa con người và thế giới mạng. CPS sử dụng mô hình hóa như một cách để phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về các thành phần tính toán và vật lý của các hệ thống này, người ta có thể thể hiện các thiết kế mới theo cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc mô phỏng, hình dung và phân tích của chúng. Truy cập ngày 24/7/2022 tại: https://www.vista.gov.vn/newbook/sach-moi/cyber- physical-systems-a-model-based-approach-521.html.

 

 

Tuyển sinh du học nghề tại Australia

Đây là chương trình bảo lãnh visa đậu 100%, chứng minh tài chính thấp, được làm thêm gần như full time, lấy tất cả các bạn học sinh chưa có IELTS,  được hỗ trợ xin việc làm, được ký hợp đồng tham gia chương trình chủ bảo lãnh lên thường trú nhân sau 3 năm học nghề.

  1. ĐIỀU KIỆN THAM GIA
  • Nam/Nữ tuổi: 18 – 30 tuổi.

Nếu tốt nghiệp PTTH thì 18 đến 25 tuổi

Nếu tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học thì lấy đến 30 tuổi ở Adelaide

Nếu tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học thì lấy đến 33 tuổi ở Sydney, Mebourne (Xin visa  khó hơn ở Adelaide)

  • Trình độ ngoại ngữ:
    • Nếu tiếng Anh IELTS 5.5/PTE 42 đăng ký lớp học nghề ngay
    • Nếu chưa có chứng chỉ tiếng Anh bên Trung tâm sẽ cấp giấy chứng nhận đang học tiếng Anh, thi tại các trung tâm tiếng Anh lấy chứng chỉ A2 để xin thư mời,làm hồ sơ. Trường sẽ cho học sinh Đăng ký khóa học tiếng Anh bên Úc khoảng 1 năm. (Sang Úc trường sẽ xếp lớp phù hợp với trình độ tiếng Anh của học sinh).
    • Trong quá trình làm hồ sơ học sinh vẫn phải học tiếng Anh toàn thời gian
  • Không có người thân BHP tại Úc, Chưa từng trượt Visa Australia, không mắc các bệnh truyền nhiễm
  • Học viên có hộ khẩu Miền trung tiểu bang Adelaide họ vẫn lấy nhưng phải có tiếng Anh tốt và gia đình có điều kiện

    II.  CHUYÊN NGÀNH HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC

  1. CÁC NGÀNH HỌC CƠ BẢN:
  • Nhà hàng khách sạn | Đầu bếp/ Công nghệ thông tin | Điện tử viễn thông
  • Nông nghiệp trồng trọt | Chế biến thực phẩm/ Điều dưỡng | Hộ lý/ Chăm sóc sắc đẹp | Nails
  • Xây dựng công trình | Mạng viễn thông/Truyền thông | Marketing

 Học tất cả các ngành đều được nhưng nên học những ngành Úc đang ưu tiên định cư:

  • Điều dưỡng, chăm sóc người già, giáo viên mầm non
  • Nông nghiệp trồng trọt,
  • Đầu bếp, nhà hàng khách sạn,làm bánh,
  • Xây dựng, mộc, sơn
  1. GIỜ LÀM THÊM:

 Tại tiểu bang Adelaide: ( tỷ lệ visa 99%)

Adelaide là thủ phủ và thành phố lớn nhất tiểu bang Nam Úc. Nơi đây cũng đồng thời là thành phố lớn thứ 5 nước Úc. Vào năm 2017, Adelaide có dân số ước tính gần 1.500.000 người. Bang Adelaide chiếm 80% dân số bang Nam Úc, làm cho nó trở thành thủ phủ có dân số tập trung nhất trong bất kỳ tiểu bang nào ở Úc.

  • Trong thời gian học tiếng Anh: Thời gian đi làm 24h/tuần (Làm 4h/1 ngày)
  • Trong thời gian học nghề:
    • Thời gian đi làm full thời gian tại các doanh nghiệp sinh viên đăng ký.
    • Công ty giới thiệu Doanh nghiệp làm trùng với ngành học viên đang học nếu đủ điều kiện về học tập. Doanh nghiệp sẽ ký bảo lãnh có phí trong suốt 3 năm học tập và làm việc để sinh viên đủ điều kiện lên thường trú nhân. (Phải theo học những ngành nghề tiểu bang ưu tiên định cư).
  • Thường trú xong sinh viên có thể chuyển đến đâu tùy mong muốn.

Tại bang Sydney, Meb:

  • Trong thời gian học: Thời gian đi làm 24h/tuần theo quy định của chính phủ từ ngày 01/07/2023

 III.   CHI PHÍ , QUY TRÌNH ĐÓNG TIỀN

  • CHI PHÍ : Chi phí trọn gói là 300 triệu bao gồm:
  • Học phí kỳ đầu
  • Bảo hiểm 2 năm
  • Hồ sơ visa trọn gói
  • Vé máy bay
  • Đưa đón sân bay, sắp xếp chỗ ở việc làm.
  • QUY TRÌNH ĐÓNG TIỀN 

Giai đoạn

Nghiệp vụ

Thời hạn thanh toán

Phí thanh toán dịch vụ

1

Đặt cọc phí

Ngay sau khi ký hợp đồng

Phí dịch vụ và phí đăng ký trường, học tiếng Anh tại Trung tâm là 50.000.000 đồng (VNĐ)

2

Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết nộp sang trường

Ngay sau khi được cấp giấy nhập học của trường

Phí dịch vụ và học phí 6 tháng bên trường là 150.000.000 đồng (VNĐ)

3

Sau khi bên B được cấp thị thực từ cơ quan có thẩm quyền

Ngay sau khi được cấp visa (07 ngày)

Phí dịch vụ và vé máy bay là 100.000.000 đồng (VNĐ)

 Trong trường hợp visa bị từ chối,  các phí  sau sẽ không được hoàn trả: 

 - Phí đăng ký $300

- Phí hoàn trả học phí $300

- Phí xin thị thực nộp cho Lãnh sự quán :           12,000,000  VND

- Phí khám sức khỏe :                                            2,200,000   VND

- Phí lấy dấu vân tay:                                               478,000   VND

 Về Hồ sơ chuẩn bị:

  1. Form của trường
  2. Bằng tốt nghiệp cấp 3 - Học bạ cấp 3
  3. Bằng tốt nghiệp CĐ/Đại học - Bảng điểm CĐ/Đại học
  4. Hộ Khẩu (Giấy xác nhận thông tin cư trú)
  5. CCCD
  6. Hộ chiếu (Passport)- có chữ ký
  7. Giấy khai sinh 
  8. Sơ yếu lí lịch - có công chứng
  9. Chứng chỉ tiếng anh  (nếu có)
  10. Bằng cấp khác giấy khen thưởng, tuyên dương (nếu có)
  11. Chứng minh tài chính: 
  • Sổ tiết kiệm khoảng 600 triệu trở lên. Mở trước ngày nộp visa khoảng 3 tháng  ( Nếu có)
  1. Chứng minh thu nhập:
  • Sổ đỏ nhà đất và sở hữu những tài sản khác (nếu có)
  • Hợp đồng lao động của bố mẹ (nếu có)
  • Giấy lương của bố mẹ (nếu có)
  • Hoặc Giấy phép đăng ký kinh doanh của bố mẹ (nếu có)
  • Giấy khai thu nhập và báo cáo tài chính của doanh nghiêp, hoặc giấy thuế của công ty ( nếu có) 
  • Sao kê ngân hàng thể hiện được hoạt đông kinh doanh ( nếu có) 
  • Căn cước công dân của bố mẹ 
  • Giấy khai sinh của bố mẹ 

Workshop Hàn Quốc dành cho những người làm công tác giáo dục tại Việt Nam

 

Chương trình Workshop Hàn Quốc dành cho những người làm công tác giáo dục tại Việt Nam đã được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong các ngày từ 19 đến 21/7/2023. Chương trình này do Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương tổ chức với sự hỗ trợ về kinh phí của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation). Đây là lần thứ 20 Chương trình này được tổ chức tại Việt Nam dưới sự tài trợ của Korea Foundation. Tham dự chương trình có 80 nhà giáo đại diện cho các trường THPT các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, và một số tỉnh thành khác. 

Ảnh: Toàn cảnh các đại biểu tham dự hội nghị

 Các đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe 6 báo cáo chuyên đề về đất nước và con người Hàn Quốc như: lịch sử, văn hoá, hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, và quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc do các giáo sư, tiến sĩ, những người đã có kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dậy lâu năm về Hàn Quốc của Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương, Khoa Đông phương học, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, và Khoa Hàn Quốc học, đại học KHXH và Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trình bầy.

Ảnh: Quang cảnh hội nghị nghe các báo cáo chuyên đề

Tại hội nghị này, các đại biểu cũng có cơ hội thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, và trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc của Hàn Quốc như: mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc (hanbok) và thưởng thức âm nhạc cũng như một số món ăn truyền thống của Hàn Quốc.

Ảnh: Các đại biểu trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc (Hanbok)

Phát biểu tổng kết hội nghị, thay mặt Ban tổ chức chương trình, TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương, đã cảm ơn sự tài trợ của Korea Foundation và sự hợp tác của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành có đại biểu tham dự; đánh giá cao sự nhiệt tình tham gia của các nhà giáo và đề nghị họ trên cơ sở những kiến thức đã thu hoạch được tại hội nghị sẽ truyền thụ lại cho các lớp học sinh của mình bằng những cách thức khác nhau, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự hiểu biết của các tầng lớp nhân dân Việt Nam về Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc.

 

Ảnh: TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương, phát biểu tổng kết hội nghị

Kết thúc chương trình, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương; Khoa Đông phương học, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội; và Khoa Hàn Quốc học, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã trao chứng chỉ tham dự khóa học cho toàn thể học viên.

Chương trình Worskhop Hàn Quốc dành cho những người làm công tác giáo dục tại Việt Nam lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra thành công tốt đẹp./.

Tuyển sinh du học Hàn Quốc 2023 tại Trường đại học Jeonju

Chương Trình Tuyển Sinh Năm 2023 của Trường Đại Học Jeonju (Chi tiết xem trong file đính kèm)

Office of the President, Jeonju University, 303 Cheonjam-ro, Wansan-gu, Jeonju, Jeonbuk, Republic of Korea 55069

Đại học Jeonju - Ngôi trường nuôi dưỡng nhân tài

Trường đại học Jeonju lựa chọn và tập trung đào tạo các lĩnh vực văn hoá truyền thống , công nghiệp carbon, công nghiệp văn hoá được liên kết với công nghiệp khu vực và quốc gia, đồng thời nhà trường đang phấn đấu vươn lên dẫn đầu về sáng tạo giá trị giáo dục thông qua chương trình đào tạo i- class, start, giáo dục khởi nghiệp , giáo dục hướng nghiệp... hiện tại với tư cách là trường đào tạo đại học chính quy bao gồm 8 phân khoa với 60 chuyên ngành hệ đại học 4 năm và 9 viện cao học với 60 chuyên ngành hệ sau đại học . Trường Jeonju hiện đã trở thành trường đại học quốc tế hoá với 1,400 du học sinh đến từ 30 quốc gia trên thế giới

Trường đại học Jeonju được chính phủ tin cậy và chi viện

Được chọn là trường đại học dẫn đầu sáng lập mang cách thức trường đại học sĩ quan, chủ quản doanh nghiệp vừa và nhỏ , được chọn đại học ưu tú về chương trình đào tạo giai đoạn 2 của hiệp hội các trường đại học công nghiệp tiên phong (LINC) ,được bộ giáo dục , bộ tư pháp lựa chọ là trường đại học được chứng nhận năng lực quản lý , duy trì sinh viên quốc tế và được lựa chọn là trường dự án đào tạo đại học dẫn đầu khu vực ,được chọn là trường hạng A đánh giá đổi mới cơ cấu đại học của Bộ giáo dục, được lựa chọn là trường dẫn đầu cải cách trong cuộc cách mạng lần thứ 4 theo chỉ thị của Bộ giáo dục và được lựa chọn ở dự án doanh nghiệp đầu tư cảnh cách trường học ...

Các chương trình đào tạo cử nhân, sau đại học:

Khoa

Chuyên ngành tuyển sinh

Học phí học kỳ (won)

Nhân văn

Thần học, Sản phẩm văn học lịch sử, Văn học ngôn ngữ Anh, Nhật bản , Trung quốc, Hàn quốc.

3.436.000

Khoa học xã hội

Cảnh sát, Tài liệu văn hiến, Luật học, Phúc lợi xã hội, Tâm lý, Hành chính

3.436.000

Kinh doanh

Kinh doanh , Bảo hiểm tài chính, Thương mại lưu thông, Bất động sản, Thuế vụ kế toán, Tài chính IT

3.436.000

Y học

Thực phẩm chức năng BIO, Phục hồi chức năng, Khoa học môi trường

4.013.500

Kỹ thuật

Kỹ thuật kiến trúc, Cơ khí, Ôtô, Công nghiệp, An toàn phòng cháy chữa cháy, Điện điện tử, Công nghệ thông tin, Máy tính, Xây dựng, Công nghệ vật liệu

4.453.500

Văn hóa

Game contents, Smart media, Trí tuệ nhân tao, Huấn luyện thể thao môn bóng đá, taewondo, diễn xuất truyền hình, Thời trang, Sân khấu điện ảnh, Âm nhạc

4.013.500

Du lịch

Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Ẩm thực nhà hàng

4.013.500

 Chương trình tuyển sinh học bằng tiếng Anh với chuyên ngành :  Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh, Âm nhạc, Ngôn ngữ Anh

  • Tuyển sinh hệ 4 năm :
  1. Điều kiện tuyển sinh :

Tốt nghiệp cấp 3 không quá 2 năm.

Có trình độ tiếng tiếng Anh IELTS 6.0 điểm, hoặc TOEFL PBT 545 điểm(CBT 208, IBT 77)

  1. Học phí :

Số

Hạng mục

Số tiền (USD

Học bổng (%)

Tổng số (USD)

1

Học phí ( học kỳ đầu )

4,339

50%

2,169

2

Ký túc xá ( 6 tháng )

1,100

 

1,100

4

Bảo hiểm ( 6 tháng )

250

 

250

5

Phí phụ ( đưa đón sân bay, làm CMT NNN)

60

 

60

6

Phí quản lý ( 1 lần )

1000

 

1000

Tổng phí :  4,579 (USD)

Miễn 50% của hai học kỳ đầu

Kỳ sau học bổng sẽ dựa trên kết quả học tập ( học bổng thành tích xuất sắc , học bổng đặc biệt)

Ký túc xá : , không bao gồm phí ăn và có thể thay đổi, khi nhập học có thông báo chính thức)

 

  • Tuyển sinh hệ liên thông đại học :
  1. Điều kiện tuyển sinh :

Là sinh viên năm thứ 3 ( học hết năm 2 lên năm 3 ) chưa tốt nghiệp đang theo học tại trường đại học Việt Nam

Là sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp 2 năm hoặc cao đẳng tại trường cao đẳng Việt Nam 

Có trình độ tiếng Anh ( tiếng Anh IELTS 6.0 điểm, hoặc TOEFL PBT 545 điểm(CBT 208, IBT 77) trở lên.

  1. Học phí :

Số

Hạng mục

Số tiền (USD

Học bổng (%)

Tổng số (USD)

1

Học phí ( học kỳ đầu )

4,339

50%

2,169

2

Ký túc xá ( 6 tháng )

1,100

 

1,100

4

Bảo hiểm ( 6 tháng )

250

 

250

5

Phí phụ ( đưa đón sân bay, làm CMT NNN)

60

 

60

6

Phí quản lý ( 1 lần )

1000

 

1000

Tổng phí :  4,579 (USD)

Miễn 50% của hai học kỳ đầu

Kỳ sau học bổng sẽ dựa trên kết quả học tập ( học bổng thành tích xuất sắc , học bổng đặc biệt)

Ký túc xá : , không bao gồm phí ăn và có thể thay đổi, khi nhập học có thông báo chính thức)

 

Chương trình tuyển sinh học bằng tiếng Hàn với chuyên ngành :

  • Tuyển sinh hệ 4 năm :
  1. Điều kiện tuyển sinh :

Tốt nghiệp cấp 3 không quá 2 năm.

Có trình độ tiếng tiếng Hàn topik 4 trở lên

  1. Học phí :

Số

Hạng mục

Số tiền (USD

Học bổng (%)

Tổng số (USD)

1

Học phí ( học kỳ đầu )

4,339

50%

2,169

2

Ký túc xá ( 6 tháng )

1,100

 

1,100

4

Bảo hiểm ( 6 tháng )

250

 

250

5

Phí phụ ( đưa đón sân bay, làm CMT NNN)

60

 

60

6

Phí quản lý ( 1 lần )

1000

 

1000

Tổng phí :  4,579 (USD)

Miễn 50% của hai học kỳ đầu

Hai kỳ sau học bổng sẽ dựa trên kết quả học tập ( học bổng thành tích xuất sắc , học bổng đặc biệt)

Ký túc xá : , không bao gồm phí ăn và có thể thay đổi, khi nhập học có thông báo chính thức)

  • Tuyển sinh hệ liên thông đại học :
  1. Điều kiện tuyển sinh :

Là sinh viên năm thứ 3 ( học hết năm 2 lên năm 3 ) chưa tốt nghiệp đang theo học tại trường đại học Việt Nam

Là sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp 2 năm hoặc cao đẳng tại trường cao đẳng Việt Nam 

Có trình độ tiếng Hàn topik 4 trở lên.

  1. Học phí :

Số

Hạng mục

Số tiền (USD

Học bổng (%)

Tổng số (USD)

1

Học phí ( học kỳ đầu )

4,339

50%

2,169

2

Ký túc xá ( 6 tháng )

1,100

 

1,100

4

Bảo hiểm ( 6 tháng )

250

 

250

5

Phí phụ ( đưa đón sân bay, làm CMT NNN)

60

 

60

6

Phí quản lý ( 1 lần )

1000

 

1000

Tổng phí :  4,579 (USD)

Miễn 50% của hai học kỳ đầu

Hai kỳ sau học bổng sẽ dựa trên kết quả học tập ( học bổng thành tích xuất sắc , học bổng đặc biệt)

Ký túc xá : , không bao gồm phí ăn và có thể thay đổi, khi nhập học có thông báo chính thức)

 Lịch trình tuyển sinh :

Phân loại

Lịch tuyển sinh

Đợt 1

Đợt 2

Nhận hồ sơ

9.5 ~ 26.5.2023

27.6 ~ 7.7.2023

Xét hồ sơ

31.5.2023

12.7.2023

Phỏng vấn

5.6~9.6.2023

17.7~21.7.2023

Thông báo trúng tuyển

14.6.2023

26.7.2023

Đóng học phí

19.6~23.6.2023

31.7~4.8.2023

Khai giảng

4.9.2023

4.9.2023

 ồ sơ dự tuyển :

  1. Đơn xin nhập học ( mẫu của trường)
  2. Giấy giới thiệu bản thân và kế hoạch học tập ( mẫu của trường)
  3. Bằng tốt nghiệp , học bạ cấp 3 ( hợp pháp hóa đại sứ quán)
  4. Giấy xác nhận sinh viên cử đi học, bảng điểm hoàn thành 2 năm học tại Việt Nam đối với sinh viên 2+2 , đối với sinh viên trao đổi 1 học kỳ 6 tháng thì giấy xác nhận cử đi học và kết quả đã học tập tại trường Việt Nam (hợp pháp hóa đại sứ quán)
  5. Bằng tốt nghiệp , bảng điểm cao đẳng đói với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng ( hợp pháp hóa đại sứ quán )
  6. Giấy xác nhận năng lực ngoại ngữ
  7. Bản sao hộ chiếu ( chứng minh thư của cả gia đình)
  8. Hộ khẩu gia đình ( nếu bố hoặc mẹ mất hay ly hôn phải kèm theo giấy xác nhận)
  9. Giấy chứng minh tài chính :
  10. Giấy chứng nhận số dư tiền ( nộp bản sao, khi trúng tuyển nộp bản gốc). Tài khoản đứng tên bản thân hoặc bố , mẹ Số tiền 18.000 usd, Giấy xác nhận cấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Giấy xác nhận tài khoản này được đóng băng trên 1 năm.
  11. Xác nhận công tác của bố, mẹ
  12. 3 ảnh ( ảnh hộ chiếu ).

Tất cả các hồ sơ nộp trên phải được cung cấp trong vòng 6 tháng tính cho đến ngày hạn cuối cùng của mỗi đợt tuyển sinh. ( Riêng chứng minh tài chính xác nhận cấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ)

Tất cả các hồ sơ phải dịch thuật tiếng Anh hoạc tiếng Hàn và công chứng.

Hình thức tuyển sinh : phỏng vấn 100%

Lệ phí tuyển sinh : 80.000 won

  • Khi trúng tuyển sẽ có invoice chính xác.
  • Thông tin liên hệ : Viện giao lưu quốc tế trường đại học Jeonju

PGS TS Lê Đình Chỉnh, Viện Nghiên cứu Đông Á- Thái Bình Dương

Email. This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

SĐT. 0934137242

Ghi chú:

  1. Trong quá trình học, Nhà trường sẽ hỗ trợ việc làm cho sinh viên để tự trang trải học phí và sinh hoạt phí.
  2. Sau khi tốt nghiệp, Trường Đại học Jeonju sẽ giới thiệu việc làm cho sinh viên và sau đó sinh viên có thể đổi viza cư trú dài hạn tại Hàn Quốc.

 

 

Tuyển sinh du học Hàn Quốc hệ 2+2 trường đaị học Jeonju

Office of the President, Jeonju University

303 Cheonjam-ro, Wansan-gu, Jeonju, Jeonbuk, Republic of Korea 55069

 

Đại học Jeonju - Ngôi trường nuôi dưỡng nhân tài

Trường đại học Jeonju lựa chọn và tập trung đào tạo các lĩnh vực văn hoá truyền thống , công nghiệp carbon, công nghiệp văn hoá được liên kết với công nghiệp khu vực và quốc gia, đồng thời nhà trường đang phấn đấu vươn lên dẫn đầu về sáng tạo giá trị giáo dục thông qua chương trình đào tạo i- class, start, giáo dục khởi nghiệp , giáo dục hướng nghiệp... hiện tại với tư cách là trường đào tạo đại học chính quy bao gồm 8 phân khoa với 60 chuyên ngành hệ đại học 4 năm và 9 viện cao học với 60 chuyên ngành hệ sau đại học . Trường Jeonju hiện đã trở thành trường đại học quốc tế hoá với 1,400 du học sinh đến từ 30 quốc gia trên thế giới

Trường đại học Jeonju được chính phủ Hàn Quốc tin cậy và chi viện.

Được chọn là trường đại học dẫn đầu sáng lập mang cách thức trường đại học sĩ quan, chủ quản doanh nghiệp vừa và nhỏ , được chọn đại học ưu tú về chương trình đào tạo giai đoạn 2 của hiệp hội các trường đại học công nghiệp tiên phong (LINC) ,được bộ giáo dục , bộ tư pháp lựa chọ là trường đại học được chứng nhận năng lực quản lý , duy trì sinh viên quốc tế và được lựa chọn là trường dự án đào tạo đại học dẫn đầu khu vực ,được chọn là trường hạng A đánh giá đổi mới cơ cấu đại học của Bộ giáo dục, được lựa chọn là trường dẫn đầu cải cách trong cuộc cách mạng lần thứ 4 theo chỉ thị của Bộ giáo dục và được lựa chọn ở dự án doanh nghiệp đầu tư cảnh cách trường học ...

Các chương trình đào tạo cử nhân, sau đại học:

Khoa

Chuyên ngành tuyển sinh

Học phí học kỳ (won)

Nhân văn

Thần học, Sản phẩm văn học lịch sử, Văn học ngôn ngữ Anh, Nhật bản , Trung quốc, Hàn quốc.

3.436.000

Khoa học xã hội

Cảnh sát, Tài liệu văn hiến, Luật học, Phúc lợi xã hội, Tâm lý, Hành chính

3.436.000

Kinh doanh

Kinh doanh , Bảo hiểm tài chính, Thương mại lưu thông, Bất động sản, Thuế vụ kế toán, Tài chính IT

3.436.000

Y học

Thực phẩm chức năng BIO, Phục hồi chức năng, Khoa học môi trường

4.013.500

Kỹ thuật

Kỹ thuật kiến trúc, Cơ khí, Ôtô, Công nghiệp, An toàn phòng cháy chữa cháy, Điện điện tử, Công nghệ thông tin, Máy tính, Xây dựng, Công nghệ vật liệu

4.453.500

Văn hóa

Game contents, Smart media, Trí tuệ nhân tao, Huấn luyện thể thao môn bóng đá, taewondo, diễn xuất truyền hình, Thời trang, Sân khấu điện ảnh, Âm nhạc

4.013.500

Du lịch

Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Ẩm thực nhà hàng

4.013.500

  • Ngành: Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh, Âm nhạc, Ngôn ngữ Anh có thể học bằng tiếng Anh.
  • Hiện tại trường đại học Jeonju đang hợp tác với các trường đại học , cao đẳng Việt Nam theo chương trình sau :
  • Chương trình : 2+2 với các trường đại học
  • Chương trình : 2+1+2, 3+2 với các trường cao đẳng
  • Chương trình tuyển sinh khóa mới và liên thông
  1. Khóa mới : chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn 6 tháng ( 1 học kỳ, chuyên ngành tự chọn theo các chuyên ngành trên, phía trường Việt Nam yêu cầu tín chỉ hoàn thành)
  2. Điều kiện tuyển sinh :
  • Là sinh viên năm 1~ năm 3 chưa tốt nghiệp đang theo học tại trường đại học Việt Nam
  • Là sinh viên năm 1, năm 2 chưa tốt nghiệp đang theo học tại trường cao đẳng Việt Nam
  • Có trình độ tiếng Hàn topik 2 hoặc tiếng Anh IELTS 6.0 điểm, hoặc TOEFL PBT 545 điểm(CBT 208, IBT 77)
  1. Học phí :
  • Miễn 100%
  • Ký túc xá : 1,823,000 ( phòng 2 người , không bao gồm phí ăn , có thể sẽ thay đổi , khi nhập học có thông báo chính thức)
  • Bảo hiểm : 130, 000 won
  • Phí phụ
  1. Chương trình tuyển sinh liên thông : 2+2, 3+2
  2. Điều kiện tuyển sinh :
  • Là sinh viên năm thứ 3 ( học hết năm 2 lên năm 3 ) chưa tốt nghiệp đang theo học tại trường đại học Việt Nam
  • Là sinh viên năm 3 đã tốt nghiệp tại trường cao đẳng Việt Nam theo chương trình 3+2
  • Có trình độ tiếng Hàn topik 4
  • Riêng ngành : Quản trị du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh, Âm nhạc, Ngôn ngữ Anh có thể học bằng tiếng Anh ( tiếng Anh IELTS 6.0 điểm, hoặc TOEFL PBT 545 điểm(CBT 208, IBT 77) trở lên.
  1. Học phí :
  • Miễn 50% của hai học kỳ đầu ( học phí chuyên ngành xem thông tin các khoa ở trên)
  • Hai kỳ sau học bổng sẽ dựa trên kết quả học tập ( học bổng thành tích xuất sắc , học bổng đặc biệt)
  • Đối với sinh viên có topik 4 giảm 50%, topik 5 giảm 80%, topik 6 giảm 100% (cấp 1 lần cho học kỳ đầu tiên
  • Ký túc xá : không bao gồm phí ăn và có thể thay đổi, khi nhập học có thông báo chính thức)

Phân loại

Star Tower (won)

Star Vill (won)

Star Home (won)

Phòng 1 người

Phòng 2 người

Phòng 4 người

Phòng 1 người

Phòng 2 người

Phòng 1 người

Phòng 2 người

Học kỳ (16 tuần)

1.823,000

1.208.000

921.000

1.115.600

839.000

1.063.800

777.000

Năm (51 tuần)

4.687.000

3.073.500

2.320.000

 

2.104.000

 

1.943.000

 Bảo hiểm : thông báo khi nhập học.

  • Phí phụ
  • Lịch trình tuyển sinh :

Phân loại

Lịch tuyển sinh

Đợt 1

Đợt 2

Nhận hồ sơ

9.5 ~ 26.5.2023

27.6 ~ 7.7.2023

Xét hồ sơ

31.5.2023

12.7.2023

Phỏng vấn

5.6~9.6.2023

17.7~21.7.2023

Thông báo trúng tuyển

14.6.2023

26.7.2023

Đóng học phí

19.6~23.6.2023

31.7~4.8.2023

Khai giảng

4.9.2023

4.9.2023

 Hồ sơ dự tuyển :

  1. Đơn xin nhập học ( mẫu của trường)
  2. Giấy giới thiệu bản thân và kế hoạch học tập ( mẫu của trường)
  3. Bằng tốt nghiệp , học bạ cấp 3 ( hợp pháp hóa đại sứ quán)
  4. Giấy xác nhận sinh viên cử đi học, bảng điểm hoàn thành 2 năm học tại Việt Nam đối với sinh viên 2+2 , đối với sinh viên trao đổi 1 học kỳ 6 tháng thì giấy xác nhận cử đi học và kết quả đã học tập tại trường Việt Nam (hợp pháp hóa đại sứ quán)
  5. Bằng tốt nghiệp , bảng điểm cao đẳng đói với sinh viên 3+2 ( hợp pháp hóa đại sứ quán )
  6. Giấy xác nhận năng lực ngoại ngữ
  7. Bản sao hộ chiếu ( chứng minh thư của cả gia đình)
  8. Hộ khẩu gia đình ( nếu bố hoặc mẹ mất hay ly hôn phải kèm theo giấy xác nhận)
  9. Giấy chứng minh tài chính :
  • Giấy chứng nhận số dư tiền ( nộp bản sao, khi trúng tuyển nộp bản gốc)
  • Tài khoản đứng tên bản thân hoặc bố , mẹ
  • Số tiền 18.000 usd
  • Giấy xác nhận cấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ
  • Giấy xác nhận tài khoản này được đóng băng trên 1 năm
  • Xác nhận công tác của bố, mẹ
  1. 3 ảnh ( ảnh hộ chiếu )
  • Tất cả các hồ sơ nộp trên phải được cung cấp trong vòng 6 tháng tính cho đến ngày hạn cuối cùng của mỗi đợt tuyển sinh. ( Riêng chứng minh tài chính xác nhận cấp trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ)
  • Tất cả các hồ sơ phải dịch thuật tiếng Anh hoạc tiếng Hàn và công chứng.
  • Hình thức tuyển sinh : phỏng vấn 100%
  • Lệ phí tuyển sinh : 80.000 won
  • Khi trúng tuyển sẽ có invoice chính xác.
  • Thông tin liên hệ : PGS TS Lê Đình Chỉnh, Viện Nghiên cứu Đông Á- Thái Bình Dương; Email. This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.; SĐT. 0934137242

Mùa Thu Nhật Bản

Giới thiệu sách: Châu Á và Khu vực từ góc nhìn xã hội học

Tên sách: Châu Á và Khu vực từ góc nhìn xã hội học

Tác giả: GS Kazutaka HASHIMOTO

Trung tâm Giao lưu nghiên cứu và Hợp tác về nhân lực KHXH Việt Nam - Đông Á (nay là Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương) dịch và xuất bản từ nguyên bản tiếng Nhật với sự cho phép và tài trợ kinh phí của chính tác giả.

Dịch giả: Ngô Hương Lan & Đinh Thị Hải Yến

Nhà xuất bản Thanh Niên, 2020.

 

Giáo sư Kazutaka HASHIMOTO là một trong những Giáo sư Nhật Bản đã gắn bó với Việt Nam hàng chục năm qua. Tình cảm của Giáo sư dành cho Việt Nam đã được khởi nguồn từ rất sớm, khi mà ông còn ngồi trên ghế giảng đường đại học những năm 1970. Trong thời gian đó, ông đã tham gia phong trào “Beheiren”, hay còn gọi là phong trào “Liên minh thị dân vì hòa bình cho Việt Nam” (Phong trào phản đối Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam của sinh viên Nhật Bản). Sau này, khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới và mở cửa, ông càng quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Ông đã dành rất nhiều thời gian sang tham quan và khảo sát nghiên cứu tại Việt Nam. Đồng thời, ông cũng dành nhiều tâm huyết trong việc hỗ trợ thúc đẩy công tác nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam; tiếp nhận và giúp đỡ rất nhiều các nhà nghiên cứu, sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản nghiên cứu và học tập.

Bằng sự tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm thu thập được trong các chuyến đi khảo sát nghiên cứu tại Việt Nam từ những năm 1990, và đặc biệt là từ đầu thập niên 2000 đến nay, Giáo sư Kazutaka HASHIMOTO đã cho ra mắt hàng loạt cuốn sách viết về Việt Nam như: Nghĩ về châu Á, Nghĩ về khu vực - Từ góc nhìn xã hội học (NXB.Habesutosha, 2006), A Sociological Analysis of Vietnamese Society: In the Palace of the Dragon King  (GRIN Verlag, 2015), Tìm hiểu về Nhật Bản Singapore và Việt Nam - Một nghiên cứu xã hội học (phiên bản mới) (Thái Hà Books phát hành, NXB.Lao động, 2016), Lịch sử và xã hội Việt Nam qua dấu vết chiếc xích lô đã mất (Công ty in Harvest-inc., 2017)...

Khi biết Trung tâm Giao lưu nghiên cứu và Hợp tác về nhân lực Khoa học xã hội Việt Nam – Đông Á (Trung tâm Đông Á) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có thể biên dịch các sách, tài liệu nước ngoài sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam, năm 2019, Giáo sư Hashimoto đã ký hợp đồng trao tặng bản quyền dịch và xuất bản cuốn sách Nghĩ về châu Á, Nghĩ về khu vực - Từ góc nhìn xã hội học (NXB.Habesutosha, Tokyo, 2006) cho Trung tâm Đông Á; đồng thời tài trợ kinh phí cho việc dịch và xuất bản cuốn sách này.

Sau một thời gian làm việc hết sức tích cực, nhóm dịch giả của Trung tâm Đông Á (Ngô Hương Lan và Đinh Thị Hải Yến) đã hoàn thành việc dịch cuốn sách nói trên từ nguyên bản tiếng Nhật sang tiếng Việt. Nội dung cuốn sách bao gồm những bài viết và cảm nhận của giáo sư Hashimoto về Nhật Bản, Việt Nam và một số nước châu Á từ góc nhìn xã hội học. Trong đó, cuốn sách đã đặc biệt dành một dung lượng khá lớn để viết về Việt Nam, cảm nhận của tác giả về thành quả của công cuộc Đổi mới đã diễn ra trên đất nước Việt Nam vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000. Đồng thời, cuốn sách cũng đề cập đến những nghiên cứu so sánh về ngôn ngữ, văn hóa lối sống của người Nhật Bản và người Việt Nam. Những bài viết trong cuốn sách cũng là góc nhìn của tác giả về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, khi đối sánh văn hóa Nhật Bản với văn hóa Việt Nam, từ lăng kính của người Nhật Bản.

Tác giả đã viết trong cuốn sách như sau: “Thực ra, khó có thể gắn mác cho nền văn hóa nào là ưu việt, và nền văn hóa nào là thấp kém. Vì làm như vậy rất có thể sa vào chủ nghĩa tự tôn dân tộc, hoặc tự ti dân tộc. Vì vậy, điều cần thiết ở đây là phải thấu hiểu về những nền văn hóa khác, để thông qua giao tiếp liên văn hóa, nhận định và điều chỉnh ngược trở lại đối với nền văn hóa của chính mình. Nói một cách khác, mỗi quốc gia, dân tộc đều có “quyền lợi văn hóa” đặc thù của dân tộc mình, và văn hóa cần được xem là cái “tương đối” mà thôi.”

Nhằm góp phần cung cấp thêm những tư liệu, tài liệu tham khảo hữu ích về những nghiên cứu, nhìn nhận về Việt Nam, Nhật Bản, và một số nước trong khu vực nói chung; về văn hóa và con người Việt Nam nói riêng của một học giả Nhật Bản – người đã dành những tình cảm đặc biệt và đã có những nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, Trung tâm Đông Á xin trân trọng gửi đến bạn đọc cuốn sách dịch từ nguyên bản tiếng Nhật “Châu Á và Khu vực từ góc nhìn xã hội học” của Giáo sư Kazutaka HASHIMOTO (NXB Habesutosha, Tokyo, 2006); dịch giả Ngô Hương Lan và Đinh Thị Hải Yến.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Trung tâm Đông Á xin được bày tỏ những lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Giáo sư Kazutaka HASHIMOTO đã hợp tác tài trợ cho việc dịch và xuất bản cuốn sách; cảm ơn Nhà xuất bản Thanh niên đã hợp tác trong việc biên tập và xuất bản cuốn sách; Cảm ơn nhóm dịch giả đã nỗ lực trong việc dịch cuốn sách đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. 

Do thời gian có hạn, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi còn có những hạn chế nhất định, rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ, và góp ý chân thành từ bạn đọc.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 

Giới thiệu sách: Lịch sử phương Đông

Viện nghiên cứu Đông Á-Thái Bình Dương trân trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử phương Đông của PGS. TS Lê Đình Chỉnh; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Với dung lượng gần 500 trang, cuốn sách cung cấp đến bạn đọc toàn bộ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại về các nước phương Đông.

Phương Đông là một khu vực địa lý rộng lớn gồm chủ yếu các nước châu Á, một phần Đông Bắc châu Phi và Nam Thái Bình Dương. Trong lịch sử, phương Đông không chỉ là quê hương của loài người mà còn là nơi xuất hiện của nhiều nền văn minh lớn của nhân loại như: văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập... Trong thời kỳ cổ, trung đại, văn minh phương Đông không chỉ đạt được nhiều thành tựu lớn mà còn chiếm ưu thế vượt trội so với phương Tây về nhiều mặt. Nhiều phát minh khoa học, kỹ thuật của phương Đông đã theo bước chân người Ả Rập, Mông Cổ truyền bá sang phương Tây.

Bước vào thời kỳ cận đại, sự bùng nổ của các cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu  và cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt các nhà nước tư sản. Cùng với sự phát triển của văn minh công nghiệp ở phương Tây thế kỷ XVIII, XIX và sau đó sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân đã dẫn đến các cuộc xâm lược và thống trị của phương Tây ở phương Đông. Như vậy, trong thời cận đại, hầu hết các quốc gia phương Đông bị biến thành thuộc địa của phương Tây (ngoại trừ hai nước Nhật Bản và Thái Lan).

Tuy nhiên, bước sang thời kỳ hiện đại, phát huy truyền thống lịch sử và bằng sức mạnh tự thân, các nước phương Đông đã hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của mình và bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương.

Chương 1: Giới thiệu tổng quan về phương Đông

Chương 2: Phương đông thời kỳ cổ đại: Sự xuất hiện người cổ đại và người Homosapiens ở Phương Đông; Công xã thị tộc ở phương Đông; Sự hình thành và phát triển của các quốc gia cổ đại phương Đông; Chế độ nô lệ phương Đông thời cổ đại; Công xã nông thôn phương Đông cổ đại; Thiết chế chính trị, kinh tế phương Đông cổ đại.

 Chương 3: Phương Đông thời kỳ trung đại. Nội dung chương 3 sẽ đi sâu vào phân tích những kiến thức cơ bản về lịch sử hình thành của một số quốc gia phong kiến chủ yếu ở phương Đông. Đặc biệt, phân tích sâu về chế độ ruộng đất phương Đông để qua đó, người đọc có thể nắm được những đặc điểm cơ bản mang tính đặc thù của chế độ phong kiến phương Đông.

Chương 4: Phương Đông thời kỳ cận đại. Nội dung chính của chương 4 nhằm giới thiệu quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở phương Đông và các cuộc đấu tranh chống xâm lược của các nước phương Đông chống lại ách thống trị của thực dân phương Tây. Trên cơ sở đó, cuốn sách sẽ nêu và phân tích về nguyên nhân thất bại, những bài học lịch sử cũng như  những  hạn chế của các quốc gia phong kiến phương Đông.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đi sâu nêu và phân tích về trường hợp hai nước Nhật Bản và Thái Lan không bị thực dân phương Tây biến thành thuộc địa.

Chương 5: Phương đông thời kỳ hiện đại. Nội dung chương 5 phân tích về bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như trong nước, cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của các quốc gia phương Đông, những kinh nghiệm lịch sử và nguyên nhân giành thắng lợi. Sau khi giành được độc lập, các quốc gia phương Đông tiếp tục bước vào con đường xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đã nhanh chóng lấy lại được ưu thế của mình rút ngắn khoảng cách về sự phát triển đối với phương Tây.

Từ những năm 1960 đến đầu thế kỷ XXI, nhiều quốc gia phương Đông đã có những bước phát triển vượt trội về kinh tế, xã hội. Quan hệ quốc tế của các quốc gia phương Đông ngày càng rộng mở trên phạm vi thế giới.

Trên cơ sở những kiến thức khoa học nêu trên, cuốn sách “Lịch sử phương Đông” góp phần xây dựng quan điểm nhân văn, cung cấp cho người đọc một cái nhìn hệ thống, cơ bản, toàn diện về sự hình thành và phát triển của lịch sử phương Đông, đồng thời giúp cho người đọc biết quý trọng và gìn giữ tinh hoa bản sắc lịch sử văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp chung trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Trong quá trình biên soạn, cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế nhất định, chúng tôi mong nhận được ý kiến  đóng góp quý báu của người đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tác giả, PGS. TS Lê Đình Chỉnh, nguyên là Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội; hiện là Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương, Học viện Khoa học & Giáo dục Việt Nam.

Bạn đọc có nhu cầu tìm đọc cuốn sách, có thể liên hệ trực tiếp với tác giả theo số điện thoại 0934137242; hoặc có thể liên hệ với Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương, số 6/180 phố Trịnh Đình Cửu, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội; Tel: 024.8585.5686.

 

Điều chỉnh chính sách phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Trần Quang Minh* – Trần Ngọc Nhật**

Tóm tắtSau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 9/3/2011, Nhật Bản đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng. Các nhà máy điện hạt nhân, vốn cung cấp tới gần 30% tổng cung năng lượng điện của Nhật Bản, phải đóng cửa để kiểm tra mức độ an toàn. Một mặt, Nhật Bản phải gia tăng nhập khẩu các nguồn nguyên liệu hóa thạch để chạy các nhà máy nhiệt điện, mặt khác Chính phủ Nhật Bản đã có những điều chỉnh quan trọng trong Chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia này theo hướng đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng thị trường phân phối điện một cách hiệu quả, và thúc đẩy tiết kiệm tiêu dùng năng lượng một cách thông minh. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ các nội dung điều chỉnh trong chính sách phát triển năng lượng của Nhật Bản từ sau sự cố hạt nhân ngày 9/3/2011 đến nay.

Từ khóa: Nhật Bản, năng lượng, chính sách phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng, phân phối, tiêu dùng năng lượng.

 

Kể từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do trận động động đất và sóng thần ngày 9/3/2011 gây ra, chính sách phát triển năng lượng ở Nhật Bản đã có sự điều chỉnh mạnh theo hướng giảm dần để tiến tới dừng hẳn việc sử dụng năng lượng điện hạt nhân, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Sau tai nạn hạt nhân Fukushima, năng lượng sạch đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng của chính phủ Nhật Bản. Cùng với việc cho dừng hoạt động gần như toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra mức độ an toàn trước khi có thể cho khởi động lại, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng mới, trong đó chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Cho đến nay, trong số hơn 50 nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, mới chỉ có 2 lò phản ứng hạt nhân được tái khởi động trở lại, trong khi đó nhờ chính sách thúc đẩy phát triển, năng lượng sạch ở Nhật Bản đã có sự tăng trưởng rất ngoạn mục, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Tỉ lệ của năng lượng sạch trừ thủy điện lớn trong tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ của Nhật Bản là 1% cho đến năm 2012 đã tăng lên 2,3% vào năm tài chính 2013 và 3,6% vào tháng 4 năm 2014[1]. Mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2020 điện từ NLTT sẽ chiếm 20% và năm 2030 chiếm 30% tổng công suất điện của cả nước. Nhật Bản đã xây dựng chính sách năng lượng trên quan điểm dài hạn, toàn diện và có hệ thống. Hệ thống chính sách năng lượng của Nhật Bản, trong đó có năng lượng sạch, bao gồm từ các điều luật, hướng dẫn thi hành luật, đến các giải pháp chính sách khuyến khích tiết kiệm năng lượng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ những điều chỉnh chủ yếu trong chính sách phát triển năng lượng của Nhật Bản từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đến nay. Những điều chỉnh này là nhằm đạt được 3 mục tiêu cơ bản. Đó là: (1) Xây dựng một xã hội sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm; (2) Xây dựng một xã hội phân phối hiệu quả năng lượng thông qua cạnh tranh; và (3) Xây dựng một xã hội tiêu thụ năng lượng một cách thông minh.

 

*  TS. Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương

** Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Keiji Kimura, 2014. Feed in Tariff Scheme: Market Forces and the Appropriate Operation uf the Scheme. http://jref.or.jp/en/column/column_20140703.php

Trang 1/3

Lượt truy cập

Hôm nay 3

Hôm qua 224

Tuần này 227

Tháng này 3170

Tất cả 267353

Go to top