Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu

 * TRẦN THỊ DUYÊN, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

** TRẦN QUANG MINH ,Viện Nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương

 (Bài viết đã đăng trên Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 8 (2023)

Tóm tắt: Nhận thức được chất bán dẫn trở thành nguyên liệu không thể thiếu cho nhiều thiết bị điện tử, hạ tầng xã hội và hỗ trợ tích cực cho cuộc sống thường nhật của con người, nhiều năm qua Đài Loan (Trung Quốc) đã làm chủ công nghệ bán dẫn và thương mại hóa nguồn lợi từ ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này. Công nghệ bán  dẫn cũng đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Trên cơ sở làm rõ bối cảnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, bài viết phân tích năng lực công nghệ sản xuất chip bán dẫn, vị trí của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của nó trong cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung Quốc.

Từ khóa: Chip bán dẫn Đài Loan, cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc.

 

1.   Nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan

Nền kinh tế của Đài Loan nổi lên từ thập niên 1970 nhờ chính sách kinh tế khôn ngoan. Từ một nền kinh tế lạc hậu, sự phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của người dân phải đối diện với nhiều thử thách, chỉ sau hai thập niên, người Đài Loan đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên trước sức bật mạnh mẽ của họ, vùng lãnh thổ này đã trở thành một khu vực công nghiệp mới với tốc độ phát triển nhanh chóng.

Để có được kỳ tích như vậy thì kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đài Loan đã tập trung vào tái thiết cơ sở hạ tầng bị hư hại, sau đó chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế. Giới lãnh đạo Đài Loan bắt đầu khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất. Kế hoạch phát triển kinh tế đầu tiên của họ là chuyển đổi từ nền kinh tế thuần nông (chủ yếu làm nông nghiệp) sang sản xuất theo hướng công nghiệp. Năm 1948, Đài Loan tiến hành sản xuất hàng điện tử, bắt đầu nhập khẩu linh kiện và lắp ráp đài (radio) bán dẫn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ. Điều này đánh dấu kỷ nguyên công nghiệp mới tại Đài Loan. Sau đó, các nhà sản xuất mua lại công nghệ lắp ráp tivi của Nhật Bản để phục vụ thị trường nội địa và họ cũng sử dụng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ để xây dựng nhà máy chỉ lắp ráp tivi cho thị trường Mỹ. Hoạt động lắp ráp đài và tivi phát triển nhanh chóng trong thập niên 1960 và 1970. Tuy nhiên, thời điểm đó ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Đài Loan chưa có năng lực sản xuất linh kiện riêng lẻ. Để khuyến khích ngành công nghiệp linh kiện điện tử, chính quyền đã đề ra các quy định về hàm lượng nội địa đối với các sản phẩm điện tử bán tại Đài Loan. Quy định này buộc các nhà sản xuất tivi của Nhật Bản phải chuyển giao công nghệ cho đối tác hoặc nhà sản xuất linh kiện địa phương. Mặc dù vậy, quy mô của các doanh nghiệp lúc này vẫn nhỏ, họ thường sao chép hay dùng lại công nghệ nước ngoài, sản phẩm làm ra được hướng đến thị trường các nước Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ La-tinh. Nguồn doanh thu từ xuất khẩu ban đầu này giúp họ tạo nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào sản xuất các thiết bị hiện đại.

Những cải tiến về chất lượng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Đài Loan đã tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn - một động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng lãnh thổ này. Năm 1964, một phòng thí nghiệm bán dẫn được thành lập tại trường đại học công (Giao thông - Chiao Tung) ở Tân Trúc, miền bắc Đài Loan, chịu trách nhiệm đào tạo  các kỹ sư trở thành trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan (Chen Been-Ion, 2011). Trong những năm đầu tiên, ngành sản xuất chất bán dẫn non trẻ chưa nhận  được  nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài vì các tập đoàn  đa quốc gia do dự đầu tư. Sự thận trọng này là bởi họ cho rằng đây là dây chuyền sản xuất đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi chưa thể đảm bảo sản phẩm cuối cùng sẽ đạt được các tiểu chuẩn kiểm soát chất lượng ổn định. Tuy  nhiên,  ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan cuối cùng cũng nhận được cú hích vào năm 1967   khi tập đoàn Philco của Mỹ bắt đầu thực hiện lắp ráp tại chỗ các mạch tích hợp IC (Chen Been-Ion, 2011).

Việc tích lũy bí quyết về kỹ thuật sản xuất trong ngành bán dẫn diễn ra chậm chạp cho đến năm 1974, khi “Tổ chức Nghiên cứu và Dịch vụ Điện tử” (Electronics Research and Services Organization - ERSO) được thành lập gần Đại học công Giao thông. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu của Mỹ, ERSO đã mua lại công nghệ “bán dẫn oxit kim loại bổ sung” (the complementary metal oxide semiconductor - CMOS) được sử dụng trong các chip IC của tập đoàn RCA (Radio Corporation of America) và thành lập một nhà máy để thử nghiệm công nghệ này. Năm 1976, RCA bắt đầu chuyển giao công nghệ chip CMOS và đào tạo về thiết kế và xử lý chip cho nhân viên ERSO. Có thể thấy, việc RCA chuyển giao công nghệ CMOS cho ERSO được xem như một tấm vé gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Thiết kế vi mạch bắt đầu kể từ đây.

Năm 1982, công ty thiết kế vi mạch đầu tiên của Đài Loan có tên Syntek được  thành  lập dưới sự lãnh đạo của một cựu quản lý ERSO.  Để tận dụng nguồn lực kỹ sư tài năng ở các địa phương, một loạt các công ty điện tử đa quốc  gia cũng đã thành lập các công ty thiết kế vi mạch của riêng họ ở Đài Loan vào giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành công nghiệp thiết kế vi mạch lại cho thấy Đài Loan đang phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng trong công nghiệp hỗ trợ đúc. Vào thời điểm đó, Đài Loan chỉ có Công ty Liên hiệp vi điện tử (United Microelectronics Corporation - UMC) là xưởng đúc duy nhất nhưng nó lại tập trung vào việc sản xuất các thiết kế của riêng mình và không muốn gia công cho các nhà thiết kế khác. Để tập trung vào ngành đúc, năm 1987, chính quyền Đài Loan đã phải thành lập Công  ty      sản       xuất     chất     bán      dẫn (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. - TSMC). Chiến lược sản xuất chip bán dẫn của TSMC  cho các công ty bên ngoài đạt được thành công lớn sớm hơn mong đợi. TSMC không chỉ nhận được đơn hàng từ các nhà thiết kế chip bán dẫn nội địa mà còn từ các nhà thiết kế nước ngoài. “Sự nổi lên nhanh chóng của TSMC đã khuyến khích UMC bắt tay vào việc mở rộng quy mô sản xuất vào năm 1989 khi họ đầu tư gần 230 triệu USD để thiết lập dây chuyền chế tạo thứ hai. Dây chuyền mới này chủ yếu dành cho việc sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên tĩnh (SRAM), một loại bộ nhớ bán dẫn nhanh tương đối đắt tiền và tiết kiệm điện. Đến cuối năm 1990, Đài Loan đã có tám công ty sản xuất vi mạch mà hầu hết đều thuộc sở hữu nội địa” (Du Lam, 2021).

Lỗ hổng lớn còn lại trong dòng sản phẩm chất bán dẫn của Đài Loan là sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM). Đây là bộ nhớ có giá thành sản xuất rẻ hơn SRAM và đóng vai trò là bộ nhớ chính của hầu hết các máy tính cá nhân (Du Lam, 2021). Tuy nhiên, lỗ hổng này đã được lấp đầy vào năm 1989 khi tập đoàn Acer của Đài Loan liên doanh với Texas Instrumnents Inc của Mỹ. Ban đầu, công nghệ sản xuất DRAM ở Đài Loan vẫn tụt hậu so với các công ty bán dẫn quốc tế từ ba đến nămnăm. Vì vậy, năm 1992, ERSO đã chuyển giao công nghệ sản xuất SRAM và DRAM cho TSMC và UMC, hai công ty này cũng sớm thành lập dây chuyền sản xuất cho riêng mình (Du Lam, 2021). Đến năm 1995, Đài Loan đã rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ sản xuất chất bán dẫn với các nước xuống còn khoảng một năm. Sự đổi mới kỹ thuật đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này và đến cuối năm 1995, đã có 14 công ty công bố kế hoạch gia nhập hàng ngũ các nhà sản xuất chất bán dẫn của vùng lãnh thổ này. Những sự kiện này đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Trải qua nhiều thập kỷ, Đài Loan đã trở thành quê hương của không ít tên tuổi và hiện được định vị là một trong những mắt xích quan trọng bậc nhất của chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa đẳng cấp thế giới, đặc biệt là với ngành điện tử và chất bán dẫn.

2.    Quá trình phát triển và năng lực công nghệ ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan

Có thể nói, chip bán dẫn là bộ não của ngành công nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong thời đại kỹ thuật số. Phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn là sứ mệnh của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ

XXI. Với độ ứng dụng rộng rãi trong tất cả các ngành công nghệ cao từ thiết bị điện tử, thiết bị y tế, ô tô, máy tính, điện thoại thông minh, cho đến thiết bị truyền thông, internet, vũ khí siêu thanh và công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, điện toán lượng tử... bất chấp Đại dịch Covid-19, doanh thu của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2020 vẫn tăng 6,5% so với năm 2019, đạt 439 tỷ USD (VTV News, 2021). Đài Loan hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất chip bán dẫn và thống trị thị trường chip toàn cầu. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã trải qua ba giai đoạn phát triển:

Giai đoạn đầu tiên là “chuẩn bị và ươm mầm”. Được bắt đầu vào những năm 1960 khi Đài Loan định vị phát triển nền kinh tế  của mình dựa vào xuất khẩu chủ yếu thông qua các công ty tư nhân cỡ nhỏ và vừa, tham gia vào quan hệ sản xuất theo  hợp  đồng với  các công ty sản xuất của Mỹ và châu Âu. Sau khi thành lập các khu chế xuất vào  năm 1965, Đài Loan đã thu hút được các hợp đồng từ các công ty điện tử và bán dẫn của Mỹ đang tìm cách đầu   tư vào lĩnh vực sản xuất giá rẻ ở châu Á khi doanh số thị trường vi mạch trên toàn thế giới tăng vọt. Năm 1966, General Instrument Microelectronics có trụ sở tại Mỹ đã thành lập một doanh nghiệp đóng gói bán dẫn ở Đài Loan và trở thành công ty bán dẫn đầu tiên ở đó (Chang & Hsu, 2000, tr.185). Đến thập niên 1970, giai đoạn gieo mầm đã bén rễ khi Đài Loan chuyển giao thành công công nghệ sản xuất chip bán dẫn toàn cầu thành năng lực sản xuất chip bán dẫn của mình. Đằng sau sự thành công này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của “Viện nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp” (Industrial Technology Research Institute - ITRI). Viện này được thành lập vào năm 1973. Đến năm 1974, ITRI thành lập ERSO và được chính quyền giao nhiệm vụ thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ những công nghệ tốt nhất trên thế giới vào Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã ban hành “Dự án Phát triển Công nghiệp Điện tử” giai đoạn 1 gắn với việc ITRI/ERSO chuyển nhà máy thí điểm của mình vào khu vực tư nhân. Kết quả là UMC được thành lập vào năm 1980 (Mathews, 1997, tr. 33 - 34).

Giai đoạn thứ hai được gọi là giai đoạn “truyền bá”. Từ khi UMC thành lập đến năm 1990, trong giai đoạn này, với sự tài trợ của chính quyền Đài Loan, các công nghệ và sản phẩm mới được truyền bá tới các công ty tư nhân đang ngày càng đóng vai trò lớn trong việc phát triển ngành bán dẫn nội địa. Đây cũng là giai đoạn mà Đài Loan thành lập “Dự án Phát triển Công nghiệp Điện tử” giai đoạn 2. Đầu năm 1982, UMC chính thức mở cửa và chỉ trong năm đầu tiên công ty này đã đạt được doanh thu 1,5 tỷ đài tệ và xếp thứ nhất về lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với các  nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các quốc

 

 

gia ở châu Âu, công nghệ của UMC không chỉ lạc hậu mà còn khó có khả năng mở rộng thị trường. Vi mạch do UMC sản xuất chủ yếu dùng cho các sản phẩm gia dụng đơn giản, chủ yếu tập trung vào thị trường khu vực Đông Nam Á và Hồng Công, trong khi đó, thị trường thế giới lại quan tâm lớn đến các loại vi mạch có tốc độ xử lý nhanh trong các thiết bị điện tử phức tạp như điện thoại thông minh, máy tính xách tay. Hơn nữa, UMC là hãng sản xuất vi mạch duy nhất ở Đài Loan lúc đó, nên nhu cầu của người dùng vượt quá khả năng của nhà cung ứng. Chính vì vậy, nhiều khách hàng của UMC đã phải đặt hàng từ các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc (Yuan, Lo & Hsu, 2019).

Để rút ngắn khoảng cách về công nghệ với các nước phát triển, năm 1987, chính quyền Đài Loan đã chấp thuận kế hoạch của ITRI mà  người đứng đầu là ông Trương Trung Mưu (Morris Chang) thành lập TSMC - công ty sản xuất bán dẫn là nhà thầu phụ về mạch tích hợp cỡ lớn cho các hãng thiết kế chip trên thế giới như Apple, Qualcomm, Nvida, Marvell và Huawei. Sau khi thành lập TSMC, ITRI bắt đầu thực thi kế hoạch triển khai công nghệ vi điện  tử nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp bán dẫn đạt được tiêu chuẩn quốc tế và tạo ra một vị thế thích hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan. Vào cuối giai đoạn này, ITRI cũng thành lập một cụm công nghiệp gồm nhiều công ty tham gia vào thiết kế, chế tạo và lắp ráp. Đặc biệt là ITRI thành lập “Công ty Mặt nạ Đài Loan” (Taiwan Mask Corperation –  TMC) nhằm cho phép các hệ thống công nghiệp mạch tích hợp nội địa trở nên hoàn chỉnh hơn.

Giai đoạn thứ ba được gọi là giai đoạn “đâm chồi”. Đây là giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong những thập kỷ tiếp theo. Trong giai đoạn này, khả năng cạnh tranh trong ngành tăng lên đáng kể cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trên quy mô toàn cầu. Mối quan hệ đối tác giữa chính quyền Đài Loan với ngành công nghiệp này ngày càng tăng lên đã làm tăng vai trò của các công ty tư nhân. Đến năm 1995, cụm công nghiệp được phát triển hoàn chỉnh với hơn 180 công ty và chiếm thị phần lớn trên thị trường thế giới. Tổng trị giá của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong năm này đạt 3,3 tỷ USD và chiếm 2,2% thị  phần thế giới (Yuan, Lo & Hsu, 2019). Năm 1999, sản lượng chất bán dẫn của Đài Loan đã vượt 5 tỷ USD và Đài Loan trở thành nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới trước những gã khổng lồ công nghiệp như Anh và Pháp (Mathews, 1997). Bốn năm sau, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã chiếm tới gần 80% thị phần toàn cầu và chính thức trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn số 1 thế giới (Yuan, Lo & Hsu, 2019). Theo ITRI, tính đến năm 2020, Đài Loan có 13 công ty sản xuất tấm wafer như TSMC, UMC, PSMC, Vanguard, Episil, Mosel, AMPI, Win Semiconductors, Nuvoton, AWSC và nhà sản xuất bộ nhớ như Winbond, MXIC và Nanya Technology. Trong đó, TSMC là công ty sản xuất vi mạch hàng đầu tại Đài Loan với doanh thu 45,5 tỷ USD. UMC giữ vị trí thứ hai với doanh thu đạt 5,98 tỷ USD. TSMC hiện đang sản xuất chip cho các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Intel, Nvidia, AMD và Qualcomm.

Yếu tố tạo nên sự thành công của TSMC có thể tóm tắt ngắn gọn là do tài năng lãnh đạo của ông Trương Trung Mưu. Ông đã đề ra một chiến lược phát triển đặc biệt đó là chỉ thuần tuý sản xuất theo đơn đặt hàng mà không áp đặt bất cứ điều kiện nào, không chuyển giao bản quyền thiết kế, không ưu tiên cho riêng ai và đảm bảo thời gian giao hàng. Đây là chiến lược duy nhất cho ngành bán dẫn Đài Loan khi mà hầu như tất cả các lĩnh vực quan trọng như nghiên cứu, thiết kế và sở hữu bản quyền phát minh về chip bán dẫn bắt đầu từ con số không. Chiến lược này đã giúp ông tạo cho mình một sân chơi mặc sức tung hoành, để từ đó không chỉ phát triển riêng TSMC mà còn xây dựng cả một nền công nghiệp bán dẫn hiện đại nhất thế giới cho hòn đảo gần 24 triệu dân. Thời điểm TSMC ra đời (năm 1987) họ mới chỉ sản xuất được những con chip kích thước 3 micron met (3mm) (xem Biểu đồ 1). Tuy nhiên, đến năm 2004, TSMC  đã có thể chế tạo ra những con chip được tính bằng nanomet (nm) - một phép đo siêu nhỏ có kích thước bằng một phần tỷ mét. Khi kích thước bóng bán dẫn càng nhỏ thì số lượng của chúng trên một chip bán dẫn càng lớn, khả năng xử lý dữ liệu càng nhanh và càng ít tốn điện năng. Tiến trình sản xuất chip bán dẫn của TSMC không ngừng được nâng cao, năm 2017, TSMC đã vượt qua tất cả các gã khổng lồ của Mỹ để trở thành công ty số một thế giới trong ngành công nghiệp chế tạo các chip bán dẫn có kích thước 10nm (N10) (Nguyễn Trung Dân, 2021). Chỉ ba năm sau, vào quý II năm 2020 TSMC sản xuất thành công chip bán dẫn kích thước 5nm (N5) và phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2020. Công nghệ chip 5nm cung cấp tốc độ nhanh hơn khoảng 20% so với công nghệ 7nm (N7 sản xuất năm 2018) và giảm khoảng 40% điện năng. Đối thủ cạnh tranh duy nhất với TSMC trong sản  xuất thương mại những con chip 5nm tiên tiến nhất hiện nay dùng cho iPhone là Samsung Electronics của Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, các nhà máy của TSMC ở miền nam Đài loan đã bắt đầu sản xuất chip công nghệ 3nm (N3). Công nghệ chip N3 nhanh hơn phiên bản trước khoảng 10 - 15% và mức tiêu thụ  điện năng giảm 25 - 35%. Thế hệ chip mới nhất này sẽ khiến các công ty của Mỹ như Intel và Global Foundries tụt hậu ít nhất hai thế hệ. Intel hiện đang sản xuất chip với công nghệ N7 và dự định bắt đầu sản xuất chip công nghệ N3 vào đầu năm 2024. Theo ông Handel Jones, Giám đốc điều hành của công ty International Business Strategies, đến năm 2025, các nhà máy của TSMC ở Đài Loan có thể bắt đầu cung cấp chip N2 cho Apple (Don Clark & Ana Swanson, 2023).

 
   


 

Biểu đồ 1: Sự tiến triển về công nghệ bán dẫn của TSMC Đài Loan

Nguồn: https://www.tsmc.com/english/dedicatedFoundry/technology/logic/l_5nm

 

3.     Vị trí của ngành bán dẫn Đài Loan trong chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của nó trong cạnh tranh chiến lược công nghệ Mỹ - Trung Quốc

3.1.   Vị trí dẫn đầu của chuỗi giá trị

“Chuỗi giá trị toàn cầu” (Global value chain) là một dây chuyền sản xuất kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó nhiều nước tham gia vào các công đoạn khác nhau từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng (Hoàng Đức Thân, 2018). Nhìn lại quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan trong những thập kỷ qua, có thể thấy, họ đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ này và tạo dựng vị thế của Đài Loan trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Như đã nêu ở trên, Đài Loan đã phát triển một trong những hệ sinh thái bán dẫn toàn diện nhất trên thế giới và có tính cạnh tranh cao trong các quy trình thử nghiệm, thiết kế và đóng gói. Các khu công nghiệp dựa trên khoa học cũng đóng một vai trò quan trọng trong theo đuổi các cụm liên kết. Khi điện khí hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo thúc đẩy sự phát triển  của nhiều ngành công nghiệp như ngành ô tô, ngành điện tử, ngành cơ khí... thì nhu cầu về chất bán dẫn cho các thiết bị điện tử sẽ tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp Đài Loan đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong thiết kế phần cứng, phát triển sản xuất phần mềm, quản lý sản xuất, dịch vụ hậu cần toàn cầu và trong nhiều năm qua họ đã tạo ra các thương hiệu dẫn đầu thế giới. Đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đã tạo được chuỗi cung ứng toàn diện, bao gồm cả các phân đoạn thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi cung ứng, đủ khả năng hỗ trợ cho việc thiết kế, chế tạo, sản xuất và phân phối sản phẩm (Lê Việt Dũng, 2019, tr. 112). Ví dụ như, TSMC không chỉ dẫn đầu trong ngành sản xuất chip bán dẫn nội địa mà còn trở thành công ty sản xuất chip bán dẫn với một tỷ trọng lớn áp đảo trên thị trường toàn cầu. Năm 2002, TSMC đã trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tiên lọt vào nhóm mười công ty sản xuất mạch tích hợp IC bán được sản phẩm rộng rãi trên thị trường thế giới (Lê Việt Dũng, 2019, tr. 116). Đến năm 2011 giá trị hàng hóa chip bán dẫn  của TSMC chiếm 50% toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn nhưng chiếm tới 90% lợi nhuận toàn cầu của cả ngành công nghiệp này (Nguyễn Trung Dân, 2021). Năm 2013, TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip điện thoại di động cho hãng Apple và hiện là nhà cung cấp độc quyền bộ vi xử lý chính của iPhone.

Theo số liệu thống kê của TrendForce, năm 2021, Đài Loan góp mặt bốn trong mười vị trí hàng đầu về thiết kế bán dẫn, chiếm 65% thị phần chất bán dẫn toàn cầu, với giá trị sản lượng đạt 107,53 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng TSMC đã chiếm tới 55% thị phần. Trong khi Samsung của Hàn Quốc chiếm 17% và SMIC của Trung Quốc đại lục chiếm 4% (Xem Biểu đồ 2). Ba công ty này đã chi phối gần 4/5 thị trường chip thế giới, trong đó chỉ có TSMC và Samsung đang nắm giữ công nghệ tiên tiến có thể sản xuất ra những con chip 5nm. Hiện tại, TSMC là nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu những con chip công nghệ dưới 10nm, chiếm 84% doanh thu từ xưởng đúc thuần túy vào năm 2020, đối thủ cạnh tranh là Samsung chiếm 14% doanh thu (VTV News, 2021).

Biểu đồ 2: Các nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới năm 2021 theo thị phần

 
   

 

Nguồn:              https://www.trendforce.com/ presscenter/news/20210305-10693.html

Ngày nay chip bán dẫn được xếp vào một trong những mặt hàng chiến lược quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng sản xuất chỉ sau xăng dầu. Điều đó có nghĩa là bất cứ một sự cố nào dẫn đến trục trặc, gián đoạn trong chuỗi cung ứng các mặt hàng này đều có thể dẫn tới rối loạn sinh hoạt xã hội và sản xuất của nền kinh tế toàn cầu. Giả sử vì một lý do nào đó hãng Apple của Mỹ ngừng sản xuất điện thoại thông minh iPhone trong vài tuần thì tác động của nó đối với người dân trên thế giới là không đáng kể, thậm chí là không cảm nhận được. Tuy nhiên, nếu TSMC ngừng sản xuất chip bán dẫn trong vài tuần thì ngay lập tức có hàng trăm xí nghiệp, nhà máy sản xuất trên thế giới sẽ bị ngừng trệ, thậm chí phải đóng cửa. Bởi hầu hết người dân trên thế giới đều sử dụng các thiết bị điện tử trong sinh hoạt đời thường và số lượng không nhỏ người dân sử dụng chúng cả trong công việc hàng ngày, chẳng hạn như máy tính, điện thoại. Các đồ dùng điện tử này hầu hết được điều khiển và xử lý bởi các con chip bán dẫn. Dù rất nhỏ nhưng chúng lại đóng vai trò như là linh hồn của các thiết bị đó. Vì vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả các vật dụng có sử dụng chip bị trục trặc? Điều đầu tiên có thể thấy các vật dụng bất ly thân của hàng tỷ người như điện thoại thông minh, máy tính xách tay sẽ bị vô hiệu hóa. Tiếp đó, các đồ dùng gia dụng như tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, thậm chí các phương tiện giao thông như xe hơi, máy bay, tàu bè và cả các máy móc, thiết bị y tế, máy rút tiền của hệ thống ngân hàng cũng bị tê liệt, kéo theo đó là toàn bộ chuỗi cung ứng cho các ngành này cũng tê liệt theo.

3.2.     Vai trò quan trọng của công nghiệp bán dẫn Đài Loan trong cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ về công nghệ

Ngày nay ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu được ví như A-rập Xê-út của những năm 1990. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ

G.H.W. Bush đã thành lập một liên minh gồm 35 nước chống lại Iraq để bảo vệ dòng chảy các giếng dầu của A-rập Xê-út không bị gián đoạn, thì ngày nay Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang thành lập một liên minh quốc tế (liên minh chip 4 bao gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm bảo vệ Đài Loan và ngăn chặn Trung Quốc phá vỡ chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu. Nếu kết hợp được sức mạnh của mỗi thành viên chip 4 sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng chip bán dẫn hoàn chỉnh từ khâu thiết kế, sản xuất, đóng gói và phân phối sản phẩm. Nó cũng là chìa khóa quan trọng giúp Mỹ đối trọng với những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Trên thực tế, Đài Loan có những ưu thế về công nghệ bán dẫn mà cả Trung Quốc và Mỹ đều không có. Chính vì thế cả hai siêu cường này đều phụ thuộc nghiêm trọng vào công nghệ cao của Đài Loan. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chip bán dẫn lớn nhất thế giới nhưng hơn 80% nguồn cung chip, đặc biệt là những chip công nghệ cao phải nhập khẩu hoặc được sản xuất bởi các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay vẫn còn kém xa so với đối thủ Đài Loan. Công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là SMIC đã phải mất 15 năm để đạt được vị trị của TSMC Đài Loan mười năm trước (Cẩm Anh, 2022). Công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ là Intel hiện mới đang sản xuất được chip 7nm. Nỗi lo hàng đầu của Washington lúc này là phải phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục ngày càng gia tăng căng thẳng, trong khi phía Trung Quốc luôn khẳng định sẽ thu hồi vùng lãnh thổ này. Trong trường hợp Trung Quốc thu hồi Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng chip tiên tiến trên thế giới. Trung Quốc có thể sẽ quốc hữu hóa TSMC và kiểm soát công nghệ mà trước đây họ chưa có. Đây là điều mà Mỹ không hề mong muốn. Chính vì vậy, Mỹ đã lôi kéo được TSMC xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona (Mỹ) vào giữa năm 2021. Nhà máy này sử dụng công nghệ 5nm và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2024. Đối với Mỹ, việc duy trì chính quyền hiện tại ở Đài Loan đủ lâu để nó có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa có ý nghĩa sống còn với vị thế siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Với Đài Loan, việc nắm trong tay công nghệ bán dẫn tiên tiến - một tài sản mang tính chiến lược, không những đảm bảo cho kinh tế của vùng lãnh thổ này có vị thế đặc biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là chiếc ô bảo đảm an ninh cho hòn đảo trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, một khi cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ đi quá giới hạn, tài sản này có thể trở thành ngòi nổ cho những xung đột tiềm tàng, thậm chí là bằng vũ lực (Nguyễn Thị Hải Yến, 2022).

4.  Thay lời kết

Với lợi thế về năng lực sản xuất chip bán  dẫn tiên tiến, Đài Loan đã và đang tạo ra đòn bẩy kinh tế và chính trị cho mình. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy nền kinh tế toàn  cầu  vào tình trạng dễ tổn thương bởi ngày càng phụ thuộc vào hòn đảo trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử của người tiêu dùng trên thế giới tăng cao, công nghệ lại đòi hỏi những con chip phức tạp trong khi nguồn cung ngày càng phụ thuộc vào một công ty duy nhất thì vai trò thống trị của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan lại càng trở nên rõ ràng hơn. Các quốc gia phát triển trong đó có Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc đều phải tìm đến Đài Loan để giải quyết nút thắt trong hoạt động sản xuất chip bán dẫn. Sự phụ thuộc này có thể tốt về mặt kinh tế đối với Đài Loan nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mặt an ninh của hòn đảo. Trong ngắn hạn, để kiềm chế sự phát triển của đối phương, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng phát triển nhanh ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu Trung Quốc không đạt được những tiến bộ công nghệ bán dẫn mang tính đột phá thì việc thu hồi Đài Loan sẽ là con đường duy nhất để Trung Quốc chiếm lợi thế chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây. Đối đầu Trung Quốc - Mỹ trong lĩnh  vực  công nghệ bán dẫn trở thành đối đầu vũ lực tại  Đài Loan là hiện hữu và tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất ổn địa chính trị cho khu vực trong tương lai♦

 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Cẩm Anh (2022). Cuộc chiến bán dẫn và vai trò của Đài Loan, Kinh tế & Đô thị, 17/8/2022, https://kinhtedothi.vn/cuoc-chien-chat-ban-dan-va-vai-tro-cua-dai-loan.html.
  2. Nguyễn Trung Dân (2021). “Người gây dựng nền công nghiệp chip bán dẫn của Đài Loan”, Tạp chí điện tử Người Đô Thị, 24/5/2021, https://nguoidothi.net.vn/nguoi-gay-dung-nen-cong-nghe- chip-ban-dan-cua-dai-loan-28730.html.
  3. Lê Việt Dũng (2019). Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành công nghệ thông tin: Kinh nghiệm của Đài Loan, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Du Lam (2021). “Thần kỳ Đài Loan và lời giải từ sản xuất công nghệ cao”, Công nghệ số & truyền thông, chuyên trang của báo Vietnamnet, 27/8/2021, https://ictnews.vietnamnet.vn/than- ky-dai-loan-va-loi-giai-tu-san-xuat-cong-nghe-cao-v769523.html.
  5. Phương Linh (2023). “Mỹ muốn tự chủ về chip nhưng tiền nhiều là chưa đủ”, Tạp chí Tri thức trực tuyến,

3/1/2023, https://zingnews.vn/my-muon-tu-chu-ve-chip-nhung-tien-nhieu-la-chua-du-post1390339.html

  1. Ngô Việt Nguyên (2020). “Khía cạnh địa chính trị của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan”, Nghiên cứu Quốc tế, 14/7/2020, https://nghiencuuquocte.org/2020/07/14/khia-canh-dia-chinh-tri- cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan-dai-loan/.
  2. Hoàng Đức Thân (2018). “Kinh doanh thương mại”, Giáo trình Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Nguyễn Thị Hải Yến (2022). “Vai trò của Đài Loan trong cạnh tranh Mỹ - Trung về công nghiệp bán dẫn”, Tạp chí châu Mỹ ngày nay, số
  4. VTV News (2021). “Cuộc đua sản xuất chất bán dẫn”, https://vtv.vn/kinh-te/nong-cuoc-dua-san- xuat-chat-ban-dan-20211120053338239.htm.
  5. Chang Pao-long & Hsu Chiung-wen (2000). Evolution of Technology Development Strategies for Taiwan’s Semiconductor Industry: Formation of Research Consortia, Industry and Innovation, 7, No. 2, Dec. 12.
  6. Chen Been-Ion (2011). “Inside the Taiwan miracle”, Taiwan today, 1/6/2011, https://taiwantoday.tw/news.php?post=13965&unit=8.
  7. Chen Jinji, Hong-yu Lin & Yi-ting Lien (2021). “Taiwan’s shifting role in the global supply chain in the US-China trade war”, Joint US-Korea Academic Studies, https://keia.org/publication/taiwans- shifting-role-in-the-global-supply-chain-in-the-u-s-china-trade-war/.
  8. Don Clark & Ana Swanson (2023). “US pours money into chips but even soaring spending has limits”, The New York Times, 1/1/2023, https://www.nytimes.com/2023/01/01/technology/us- chip-making-china-invest.html.
  9. Mathews John A. (1997). A Silicon Valley of the East: Creating Taiwan’s Semiconductor Industry”, California Management Review, quyển 39, số
  10. Yuan Jiang-chung, Lo Ta-hsien & Hsu Chiung-wen (2019). “Đài Loan: Từ gia công đến nhà sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới”, https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/quy-khcn-cua-doanh- nghiep-nhung-vuong-mac/2022061603066619p1c785.htm.

 

Lượt truy cập

Hôm nay 458

Hôm qua 623

Tuần này 458

Tháng này 4534

Tất cả 268717

Go to top