Tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế Nhật Bản và Chính sách ứng phó của Chính phủ

Trần Quang Minh

 

Cũng như hàng chục nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Nhật Bản đã và đang chịu những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Tác động dễ thấy nhất là sự sụt giảm nghiêm trọng trong các hoạt động ngoại thương, du lịch và dịch vụ; thị trường chứng khoán ảm đạm; niềm tin của người tiêu dùng tụt giảm; thành quả cải cách kinh tế Abenomics ngày càng tụt xa so với các mục tiêu cần đạt được… Trước diễn biến của đại dịch, Chính phủ Nhật Bản đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước và đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Bài viết này sẽ phân tích và đánh giá những tác động chủ yếu của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Nhật Bản và các giải pháp ứng phó của Chính phủ nước này.

  1. Tác động của đại dịch Covid – 19 tới nền kinh tế Nhật Bản

Đại dịch Covid-19 được xác nhận bắt đầu lây lan sang Nhật Bản vào ngày 23/01/2020. Tính đến ngày 25/4/2020, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại Nhật Bản đã có 12.829 ca mắc, trong đó có 334 ca tử vong[1]. Những tác động của đại dịch này đến nền kinh tế Nhật Bản là hết sức nghiêm trọng.

- Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/5, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý I/2020 sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc đã giảm 3,4% trong quý I/2020. Theo số liệu thống kê, GDP của Nhật Bản cũng đã giảm 7,3% trong quý IV của năm tài chính 2019 (kết thúc vào ngày 31/3/2020). Đây cũng được coi là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2014 khi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế của chính phủ Nhật Bản vào tháng 4 năm đó. Và đây cũng là lần đầu tiên sau 5 năm (kể từ năm 2015) nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Theo đánh giá của các nhà kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm với tốc độ trung bình vào khoảng 20% hoặc cao hơn trong quý II/2020[2]. Theo ước tính, GDP của Nhật Bản có thể bị mất 1.000 tỷ yên do tác động của đại dịch Covid-19. Các số liệu thống kê đã cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng hết sức mong manh khi dịch bệnh đã tác động hết sức tiêu cực đến các hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng, du lịch, dịch vụ, tâm lý thị trường và tâm lý của người tiêu dùng.

- Xuất khẩu hàng hóa bằng đồng Yên của Nhật Bản tính theo năm đã giảm 21,9% so với cùng kỳ trong tháng 4/2020 sau khi giảm 11,7% trong tháng 3/2020, phần lớn là do các lô hàng máy móc và thiết bị vận tải thấp hơn do nhu cầu nước ngoài tụt giảm. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2009.[3]

Đồ thị 1: Hoạt động ngoại thương của Nhật Bản (2/2018 – 4/2020) 

Nguồn: https://www.focus-economics.com/countries/japan/

Nhập khẩu vào Nhật Bản đã giảm 14,0% trong tháng 2/2020, với mức giảm từ  6,74 nghìn tỷ JPY trong tháng 1/2020 xuống còn 5,21 nghìn tỷ JPY vào tháng 2/2020. Các sản phẩm nhập khẩu có mức giảm lớn là máy móc điện (-18,6%) và nhiên liệu khoáng sản (-9,8%). Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, đã giảm mạnh tới 47,1%. Đây là mức giảm cao nhất kể từ tháng 8/1986.[4] Trong các tháng 3 và 4/2020, nhập khẩu của Nhật Bản tiếp tục suy giảm với mức 5% và 7,2% tương ứng. Cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt 2,3 nghìn tỷ JPY trong tháng 4/2020, trái ngược với mức thặng dư 0,1 nghìn tỷ JPY vào cùng kỳ của năm 2019. Theo dự báo, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 17,3% và nhập khẩu sẽ giảm 10,8% trong năm 2020, đưa cán cân thương mại xuống mức thâm hụt 43,0 tỷ USD[5].

- Sự lây lan của dịch bệnh đã khiến các nhà đầu tư bán nhiều tài sản rủi ro và đầu tư vào những tài sản ổn định hơn như đồng yên, đặc biệt là trong thời gi;an khó khăn về tài chính. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và các địa phương của Nhật Bản đều chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 do lượng du khách quốc tế đến Nhật ngày càng sụt giảm. Ví dụ, Lễ hội tuyết ở thành phố Sapporo, một sự kiện văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản hàng năm thu hút một lượng lớn du khách Trung Quốc, tính đến ngày 11/2/2020 đã giảm khoảng 710.000 lượt người so với mùa lễ hội năm 2019. Không chỉ du khách Trung Quốc mà cả du khách đến từ khu vực Đông Nam Á cũng đã hủy bỏ các chương trình du lịch, tham quan hay dịch vụ đã đặt trước đó tại Nhật Bản. Theo kết quả cuộc khảo sát đối với các nhà điều hành xe buýt thành viên của Hiệp hội xe buýt Hokkaido, số chuyến xe buýt do du khách hủy trong quý I/2020 đã lên tới khoảng 1.700 chuyến, tương đương với khoản lỗ 110 triệu yên (khoảng 1 triệu USD).

Các hoạt động du lịch tại thành phố Osaka ở phía Tây Nhật Bản cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Đài quan sát ngoài trời ở Tòa nhà Umeda Sky thuộc Osaka thường thu hút khoảng 1,2 triệu lượt du khách/năm, chủ yếu là du khách nước ngoài. Tuy vậy, lượng du khách đến điểm tham quan nổi tiếng này đã giảm đáng kể từ tháng 1/2020 đến nay. Royal Hotel Ltd., nhà điều hành chuỗi khách sạn Rihga Royal có trụ sở tại Osaka đã hạ ước tính doanh thu tài khóa 2019 - 2020 (kết thúc vào tháng 3/2020) và dự kiến lợi nhuận hoạt động trong tài khóa này sẽ giảm 70% so với tài khóa trước.

- Đại dịch Covid -19 đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ phá sản với mức độ thiệt hại hết sức nặng nề. Niềm tin kinh doanh giảm mạnh trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Theo khảo sát kinh doanh Tankan hàng quý của Ngân hàng Nhật Bản, tình cảm giữa các nhà sản xuất lớn đã giảm trong Q1/2020 xuống -8 điểm, giảm từ 0 điểm trong Q4/2019 và đánh dấu mức giảm thấp nhất trong gần bảy năm. Sự suy giảm trong tình cảm kinh doanh giữa các nhà sản xuất lớn trong Q1 là rõ rệt nhất trong các doanh nghiệp đóng tàu (-29 điểm so với -7 điểm trong Q4), kim loại màu (-26 điểm so với -15 điểm), và các sản phẩm dầu mỏ và than (-18 điểm so với -12 điểm). Niềm tin giữa các công ty phi sản xuất lớn đã giảm xuống 8 điểm trong Q1 từ 20 điểm trong Q4/2019. Niềm tin kinh doanh bị giảm mạnh phần lớn do đại dịch đã hạn chế cả hoạt động kinh tế và khả năng của các doanh nghiệp lên kế hoạch cho tương lai[6].

- Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng và xuất khẩu mà còn tác động tới chi tiêu của các hộ gia đình. Người tiêu dùng đã hạn chế đi mua sắm hơn. Môi trường kinh tế khó khăn hơn, tâm lý dè dặt trong mua sắm của người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu. Chỉ số niềm tin tiêu dùng Nhật Bản đã giảm xuống 30,9 điểm trong tháng 3 từ 38,4 điểm trong tháng 2, đánh dấu mức giảm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 (Đồ thị 2). 

Đồ thị 2: Biến động chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản qua các năm (Nguồn: https://www.nli-research.co.jp/report/detail/id=64265?site=nli)

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng là chi số đo lường kỳ vọng của người tiêu dùng về nền kinh tế trong sáu tháng tiếp theo. Chỉ số trên 50 điểm cho thấy tâm lý lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng của nền kinh tế; chỉ số dưới mức 50 điểm cho thấy sự bi quan của họ.

Dưới tác động của dịch bệnh, người tiêu dùng đã suy giảm niềm tin về các khía cạnh đời sống kinh tế của họ như tăng trưởng thu nhập, việc làm, sự sẵn sàng mua hàng hóa lâu bền và sinh kế nói chung. Bước sang tháng 4/2020 khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp (vào ngày 7/4), chỉ số niềm tin của người tiêu dùng càng giảm sâu hơn nữa[7]. Điểm cơ bản của hành vi tiêu dùng là khoản tiền có thể sử dụng và thời gian, sau đó là sự đi lại. Tiêu dùng của người Nhật Bản trong đại dịch Covid-19 suy giảm chủ yếu là do hạn chế đi lại. Hạn chế đi lại khiến mọi người không thể làm việc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ. Hạn chế đi lại cũng khiến mọi người không thể dễ dàng đi mua sắm như trước. Những mặt hàng xa xỉ, lâu bền không còn là lựa chọn mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh mà thay vào đó là những mặt hàng thiết yếu và các trang thiết bị bảo hộ.

- Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, dịch COVID-19 cũng đang tác động tiêu cực tới kết quả của Chương trình cải cách Abenomics – được thực hiện kể từ năm 2012 đến nay. Hiện nay, khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) còn rất ít công cụ chính sách hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải dùng đến ngân sách Nhà nước để tài trợ cho gói kích thích kinh tế có quy mô tương đương với gói kính thích kinh tế đã được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09. Điều này sẽ làm cho tình trạng thâm hụt ngân sách càng trở nên tồi tệ hơn, trong khi tỷ lệ lạm phát ngày càng tụt xa so với mục tiêu 2% đã được đặt ra.

Lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm xuống mức 0,1% trong tháng 4/2020. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Trong đó, giá cả các sản phẩm liên quan đến vận tải và truyền thông có mức giảm lớn nhất (-1,2%) trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh[8].

Đồ thị 3: Lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản ( 5/2019 – 4/2020)

Nguồn: Japan Inflation Rate, https://tradingeconomics.com/japan/inflation-cpi

Theo đánh giá của ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Nhật Bản, “Nhật Bản có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09”.[9]

- Đại dịch Covid-19 cũng đã buộc Nhật Bản phải hoãn việc tổ chức Thế vận hội Olympic năm 2020 tới năm 2021. Đây cũng là một đòn nặng dáng vào nền kinh tế vốn đã rất mong manh của quốc gia này. Nhật Bản đã phải dừng hàng ngàn dự án xây dựng. Theo khảo sát của NHK, riêng tại 20 công ty xây dựng lớn của Nhật Bản, công việc xây dựng đã bị đình trệ tại khoảng 3.000 địa điểm trên khắp nước Nhật.

Việc hoãn Thế vận hội đã kéo theo 3 tỷ USD tài trợ và ít nhất 12 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản không thực hiện được. Ngoài ra, còn phải kể đến số tiền 3 tỷ yen (gần 28 triệu USD) để di dời địa điểm tổ chức thi marathon và đi bộ từ Tokyo tới Sapporo (Hokkaido) nhằm tránh thời tiết nóng ẩm ở thủ đô Tokyo vào năm tới[10].

  1. Ứng phó của Chính phủ Nhật Bản

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và những tác động tiêu cực ngày càng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã từng bước thực hiện các biện pháp hành chính để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, và đưa ra các giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp.

- Về các biện pháp hành chính, ngay từ đầu tháng 3/2020 chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan bằng cách yêu cầu những người đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc phải được cách ly trong 2 tuần tại các cơ sở chỉ định và không được sử dụng các phương tiện công cộng tại Nhật Bản. Biện pháp này được áp dụng từ ngày 9/3 đến ngày 31/3 đối với tất cả những người đến từ 2 nước trên, kể cả công dân Nhật Bản. Tiếp đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu những người đến Nhật Bản từ 38 nước, trong đó có tất cả 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), phải tự cách ly 2 tuần tại những địa điểm nhất định.

Khi dịch bệnh trở nên ngày càng phức tạp, ngày 7/4/2020, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh, thành của Nhật Bản gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đến ngày 16/04, tình trạng khẩn cấp này đã được mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ, các tỉnh trưởng được phép yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, trừ các trường hợp đi khám chữa bệnh, đi mua thực phẩm và đi làm. Những yêu cầu này không mang tính bắt buộc, nhưng người dân có nghĩa vụ nỗ lực hợp tác thực hiện[11].

Đến ngày 14/5/2020, tình trạng khẩn cấp đã được nới lỏng tại hầu hết các nơi ở Nhật khi số ca nhiễm mới giảm. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 4 tỉnh, thành khác là Hokkaido, Saitama, Chiba, và Kanagawa. Đến ngày 25/5/2020, Nhật Bản mới chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Theo báo Japan Times, với quyết định này, Nhật Bản đã chính thức kết thúc Giai đoạn 1 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế[12].

- Về các biện pháp tài chính, ngay từ giữa tháng 2/2020, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói cứu trợ thứ nhất Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp đầu tiên có tổng trị giá 500 tỷ yên nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành du lịch và những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong tháng 3/2020, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu thứ hai với trợ trị giá gần 1000 tỉ yên[13], tương đương hơn 9,6 tỉ đôla Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và để cải cải thiện khả năng xét nghiệm vi-rút. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tiểu thương có doanh thu giảm ít nhất 15% và 20% do tác động của dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp và tiểu thương có doanh thu giảm từ 5% đến 14%, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay với lãi suất dưới 1%. Bên cạnh đó, chính cũng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài bị tác động bởi dịch bệnh thông qua các tổ chức tài chính của Nhà nước như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Ngoài ra, chính phủ sẽ dành một phần trong gói cứu trợ này để mua khẩu trang từ các nhà sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện và các cơ sở khác trong bối cảnh nước này đang rơi vào tình trạng khan hiếm khẩu trang. Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính để các nhà trẻ và cơ sở chăm sóc người già có thể mua thêm dung dịch sát khuẩn và khử trùng; Hỗ trợ tài chính cho những phụ huynh phải nghỉ làm trong bối cảnh trường học trên cả nước đóng cửa; Chi trả khoản tiền ăn trưa của học sinh mà các trường phải hoàn lại cho phụ huynh; Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cho nhân viên làm việc từ nhà; Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị hoặc tái cơ cấu các kênh bán hàng, nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với chuỗi cung ứng.

Ngày 7/4/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp với tổng giá trị lên tới 108.000 tỷ yên (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế trị giá 56.800 tỷ yên được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, và tương đương với 20% GDP của Nhật Bản[14]. Gói kích thích kinh tế này bao gồm các biện pháp tài chính có tổng trị giá 39.000 tỷ yen, trong đó có 6.000 tỷ yen cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt tới các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 26.000 tỷ yen cho chương trình hoãn nộp tiền thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp[15].

Với gói kích thích kinh tế này, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cấp 30 vạn yên cho mỗi hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh do đại dịch, và trợ cấp cho mỗi người dân 10 vạn yên (tương đương hơn 900 đôla Mỹ) cho toàn bộ cư dân. Đối tượng được hưởng là người Nhật sống trong nước và những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản có thẻ đăng ký lưu trú từ 3 tháng trở lên. Người tiêu dùng, các gia đình có thu nhập bị suy giảm vì những lý do liên quan đến dịch COVID-19 sẽ được nhận các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt.

Theo chủ trương của Chính phủ, các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hưởng ân hạn thuế một năm. Chính phủ cũng nới lỏng yêu cầu cho các công ty xin gia hạn nộp thuế và sẽ không đánh thuế quá hạn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được vay vốn không cần thế chấp với lãi suất bằng 0. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng cho biết sẵn sàng tăng gói kích thích kinh tế nếu đại dịch COVID-19 dẫn tới sự cắt giảm việc làm và chi phí về tài sản cố định lớn, đe dọa tới viễn cảnh hồi phục kinh tế nước này[16].

Ngày 27/5/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một gói kích thích kinh tế mới với trị giá hơn 100.000 tỷ yen (tương đương 929 tỷ USD), chủ yếu bao gồm các chương trình cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói kích thích này thuộc ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng 4/2020 và được đưa ra sau kế hoạch chi tiêu kỷ lục trị giá 1.100 tỷ USD nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào đợt sụt giảm sâu nhất trong lịch sử thời hậu chiến, khi đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các doanh nghiệp và hoạt động chi tiêu tiêu dùng.[17]

*

*     *

Tóm lại, đại dịch Covid-19 đã có những tác động hết sức nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản trong thời gian qua đã thực hiện những biện pháp rất tích cực và kịp thời để giúp người dân cũng như các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức. Đặc biệt là với việc liên tiếp trong hai tháng liền tung ra hai gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới gần 40% GDP của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản hơn bao giờ hết đã nhận thức được tình trạng nguy kịch của nền kinh tế trước tác động khôn lường của đại dịch Covid-19. Các gói kích thích kinh tế này có hiệu quả đến đâu; và chính phủ Nhật Bản có chặn được tình trạng suy thoái kinh tế đang trở nên hết sức cấp bách hay không vẫn còn đang là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, có thể khẳng định là với chủ trương này, tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách của chính phủ Nhật Bản vốn đã nghiêm trọng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn; và việc đạt được các mục tiêu cải cách Abenomic sẽ ngày càng trở nên xa vời. Hy vọng rằng với những nỗ lực của chính phủ và sự đồng lòng của các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản, chúng ta sẽ sớm thấy lại được một đất nước Nhật Bản hồi sinh với sức sống mãnh liệt hơn như đã từng được chứng kiến sau các lần khủng hoảng nghiêm trọng trong quá khứ của quốc gia này./.

 

 CHÚ THÍCH

[1] . Coronavirus disease 2019 (COVID-19): Situation Report – 96 , https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/situation-reports/20200425-sitrep-96-covid-19.pdf

[2] Kinh tế Nhật Bản suy thoái do đại dịch COVID-19

, http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-suy-thoai-do-dai-dich-covid-19-555029.html

[3] . Japan: Exports fall at fastest pace in over a decade in April, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/trade-balance/exports-fall-at-fastest-pace-in-over-a-decade-in-april

[4]. Japan Imports, https://tradingeconomics.com/japan/imports

[5] . Như chú thích 3

[6] . Japan: Business sentiment plummets in Q1 and prospects appear bleak, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/business-confidence/business-sentiment-plummets-in-q1-and-prospects-appear

[7] . Japan: Consumer confidence collapses in March, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/consumer-confidence/consumer-confidence-collapses-in-march

[8]. Japan Inflation Sinks to 0.1% YoY, https://tradingeconomics.com/japan/inflation-cpi

 [9] https://bnews.vn/dich-covid-19-kinh-te-nhat-ban-dung-truoc-khuc-quanh-quan-trong/151724.html

[10]. Olympic Tokyo 2020: Nhật Bản nhận phán quyết cuối cùng, 'ngọn hải đăng' 2020 mất lửa

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/olympic-tokyo-2020-tuong-lai-mong-manh-cua-kinh-te-nhat-627649.html

 [11] . Tác động kép Covid-19 và hoãn Olympic đối với kinh tế Nhật Bản, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1470

[12]. Nhật gỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19, https://tuoitre.vn/nhat-go-bo-hoan-toan-tinh-trang-khan-cap-vi-dich-covid-19-20200525164225062.htm

 [13] Nhật Bản thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 9,6 tỷ USD để đối phó với dịch COVID-19, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-03-11/nhat-ban-thong-qua-goi-cuu-tro-khan-cap-96-ty-usd-de-doi-pho-voi-dich-covid-19-83632.aspx

 [14] COVID-19: Japan unveils $990B package to support economy, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/covid-19-japan-unveils-990b-package-to-support-economy/1795756

 [15] . 政府 緊急経済対策を決定 事業規模は総額108兆円程度, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200407/k10012373231000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001

[16] . Nhật Bản cân nhắc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng ân hạn thuế một năm, https://bnews.vn/nhat-ban-can-nhac-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-huong-an-han-thue-mot-nam/151652.html

[17] Nhật Bản có kế hoạch tung gói kích thích 929 tỷ USD,

 https://www.sggp.org.vn/nhat-ban-co-ke-hoach-tung-goi-kich-thich-929-ty-usd-664178.html

Lượt truy cập

Hôm nay 27

Hôm qua 8

Tuần này 122

Tháng này 628

Tất cả 264110

Go to top