In trang này

Điều chỉnh chính sách phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Trần Quang Minh* – Trần Ngọc Nhật**

Tóm tắtSau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 9/3/2011, Nhật Bản đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng. Các nhà máy điện hạt nhân, vốn cung cấp tới gần 30% tổng cung năng lượng điện của Nhật Bản, phải đóng cửa để kiểm tra mức độ an toàn. Một mặt, Nhật Bản phải gia tăng nhập khẩu các nguồn nguyên liệu hóa thạch để chạy các nhà máy nhiệt điện, mặt khác Chính phủ Nhật Bản đã có những điều chỉnh quan trọng trong Chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia này theo hướng đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mở rộng thị trường phân phối điện một cách hiệu quả, và thúc đẩy tiết kiệm tiêu dùng năng lượng một cách thông minh. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ các nội dung điều chỉnh trong chính sách phát triển năng lượng của Nhật Bản từ sau sự cố hạt nhân ngày 9/3/2011 đến nay.

Từ khóa: Nhật Bản, năng lượng, chính sách phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng, phân phối, tiêu dùng năng lượng.

 

Kể từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I do trận động động đất và sóng thần ngày 9/3/2011 gây ra, chính sách phát triển năng lượng ở Nhật Bản đã có sự điều chỉnh mạnh theo hướng giảm dần để tiến tới dừng hẳn việc sử dụng năng lượng điện hạt nhân, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Sau tai nạn hạt nhân Fukushima, năng lượng sạch đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng của chính phủ Nhật Bản. Cùng với việc cho dừng hoạt động gần như toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra mức độ an toàn trước khi có thể cho khởi động lại, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng mới, trong đó chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Cho đến nay, trong số hơn 50 nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản, mới chỉ có 2 lò phản ứng hạt nhân được tái khởi động trở lại, trong khi đó nhờ chính sách thúc đẩy phát triển, năng lượng sạch ở Nhật Bản đã có sự tăng trưởng rất ngoạn mục, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Tỉ lệ của năng lượng sạch trừ thủy điện lớn trong tổng năng lượng sơ cấp tiêu thụ của Nhật Bản là 1% cho đến năm 2012 đã tăng lên 2,3% vào năm tài chính 2013 và 3,6% vào tháng 4 năm 2014[1]. Mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2020 điện từ NLTT sẽ chiếm 20% và năm 2030 chiếm 30% tổng công suất điện của cả nước. Nhật Bản đã xây dựng chính sách năng lượng trên quan điểm dài hạn, toàn diện và có hệ thống. Hệ thống chính sách năng lượng của Nhật Bản, trong đó có năng lượng sạch, bao gồm từ các điều luật, hướng dẫn thi hành luật, đến các giải pháp chính sách khuyến khích tiết kiệm năng lượng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ những điều chỉnh chủ yếu trong chính sách phát triển năng lượng của Nhật Bản từ sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đến nay. Những điều chỉnh này là nhằm đạt được 3 mục tiêu cơ bản. Đó là: (1) Xây dựng một xã hội sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm; (2) Xây dựng một xã hội phân phối hiệu quả năng lượng thông qua cạnh tranh; và (3) Xây dựng một xã hội tiêu thụ năng lượng một cách thông minh.

 

*  TS. Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương

** Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Keiji Kimura, 2014. Feed in Tariff Scheme: Market Forces and the Appropriate Operation uf the Scheme. http://jref.or.jp/en/column/column_20140703.php

Tải xuống tệp đính kèm: