Triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: Một số kịch bản

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một vấn đề chính trị - an ninh rất phức tạp đã kéo dài nhiều thập kỷ, lúc thăng, lúc trầm; có những lúc tưởng như các bên đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt; có những lúc dường như các bên đã đạt được những thỏa thuận rất tích cực, đem lại hòa bình và ổn định trên bán đảo này. Dõi theo các mốc thời gian của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta có thể thấy không ít dự báo về các kịch bản có thể xẩy ra ở mỗi thời điểm của cuộc khủng hoảng này. Có những dự báo về một kịch bản lạc quan, có những dự báo về một kịch bản bi quan, có những dự báo về một kịch bản trung gian (không tốt cũng không xấu). Tuy nhiên, có thể nói hầu hết những dự báo đó, mặc dù với cơ sở lập luận khá chắc chắn, đều không chính xác. Triều Tiên được coi là một quốc gia “bí ẩn“, khó đoán định. Chính vì vậy mà các vấn đề liên quan đến quốc gia này cũng rất khó đoán định. Như phần trên đã phân tích, triển vọng của việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào rất nhiều biến số. Trong đó, biến số quan trọng nhất chính là người đứng đầu của mỗi quốc gia trực tiếp liên quan (Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc). Lịch sử đã cho thấy, mỗi mốc thời điểm của sự chuyển giao quyền lực tại các quốc gia này cũng gần như trùng hợp với những diễn biến thăng trầm của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong hệ thống chính trị của Triều Tiên, theo truyền thống gia đình trị, cha truyền con nối, thì sự thay đổi của người lãnh đạo cao nhất dường như ít có khả năng xẩy ra. Nhưng trong hệ thống chính trị của Mỹ và Hàn Quốc, Tổng thống được bầu theo nhiệm kỳ (Hàn Quốc là 3 năm, Mỹ là 4 năm), thì việc đưa ra các kịch bản dài hạn là rất khó. Chính vì vậy, trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả chỉ đưa ra các kịch bản trong ngắn hạn, đến năm 2021 – thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Các kịch bản cũng sẽ được phân tích theo 3 hướng (tích cực, tiêu cực, và trung bình), từ đó đưa ra quan điểm riêng của nhóm tác giả về kịch bản có khả năng xẩy ra cao nhất.

Lượt truy cập

Hôm nay 25

Hôm qua 8

Tuần này 120

Tháng này 626

Tất cả 264108

Go to top