Giới thiệu sách: Lịch sử phương Đông

Viện nghiên cứu Đông Á-Thái Bình Dương trân trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử phương Đông của PGS. TS Lê Đình Chỉnh; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Với dung lượng gần 500 trang, cuốn sách cung cấp đến bạn đọc toàn bộ lịch sử từ cổ đại đến hiện đại về các nước phương Đông.

Phương Đông là một khu vực địa lý rộng lớn gồm chủ yếu các nước châu Á, một phần Đông Bắc châu Phi và Nam Thái Bình Dương. Trong lịch sử, phương Đông không chỉ là quê hương của loài người mà còn là nơi xuất hiện của nhiều nền văn minh lớn của nhân loại như: văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập... Trong thời kỳ cổ, trung đại, văn minh phương Đông không chỉ đạt được nhiều thành tựu lớn mà còn chiếm ưu thế vượt trội so với phương Tây về nhiều mặt. Nhiều phát minh khoa học, kỹ thuật của phương Đông đã theo bước chân người Ả Rập, Mông Cổ truyền bá sang phương Tây.

Bước vào thời kỳ cận đại, sự bùng nổ của các cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu  và cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ đã dẫn tới việc ra đời hàng loạt các nhà nước tư sản. Cùng với sự phát triển của văn minh công nghiệp ở phương Tây thế kỷ XVIII, XIX và sau đó sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân đã dẫn đến các cuộc xâm lược và thống trị của phương Tây ở phương Đông. Như vậy, trong thời cận đại, hầu hết các quốc gia phương Đông bị biến thành thuộc địa của phương Tây (ngoại trừ hai nước Nhật Bản và Thái Lan).

Tuy nhiên, bước sang thời kỳ hiện đại, phát huy truyền thống lịch sử và bằng sức mạnh tự thân, các nước phương Đông đã hoàn thành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của mình và bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương.

Chương 1: Giới thiệu tổng quan về phương Đông

Chương 2: Phương đông thời kỳ cổ đại: Sự xuất hiện người cổ đại và người Homosapiens ở Phương Đông; Công xã thị tộc ở phương Đông; Sự hình thành và phát triển của các quốc gia cổ đại phương Đông; Chế độ nô lệ phương Đông thời cổ đại; Công xã nông thôn phương Đông cổ đại; Thiết chế chính trị, kinh tế phương Đông cổ đại.

 Chương 3: Phương Đông thời kỳ trung đại. Nội dung chương 3 sẽ đi sâu vào phân tích những kiến thức cơ bản về lịch sử hình thành của một số quốc gia phong kiến chủ yếu ở phương Đông. Đặc biệt, phân tích sâu về chế độ ruộng đất phương Đông để qua đó, người đọc có thể nắm được những đặc điểm cơ bản mang tính đặc thù của chế độ phong kiến phương Đông.

Chương 4: Phương Đông thời kỳ cận đại. Nội dung chính của chương 4 nhằm giới thiệu quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở phương Đông và các cuộc đấu tranh chống xâm lược của các nước phương Đông chống lại ách thống trị của thực dân phương Tây. Trên cơ sở đó, cuốn sách sẽ nêu và phân tích về nguyên nhân thất bại, những bài học lịch sử cũng như  những  hạn chế của các quốc gia phong kiến phương Đông.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đi sâu nêu và phân tích về trường hợp hai nước Nhật Bản và Thái Lan không bị thực dân phương Tây biến thành thuộc địa.

Chương 5: Phương đông thời kỳ hiện đại. Nội dung chương 5 phân tích về bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như trong nước, cung cấp những kiến thức cơ bản về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của các quốc gia phương Đông, những kinh nghiệm lịch sử và nguyên nhân giành thắng lợi. Sau khi giành được độc lập, các quốc gia phương Đông tiếp tục bước vào con đường xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đã nhanh chóng lấy lại được ưu thế của mình rút ngắn khoảng cách về sự phát triển đối với phương Tây.

Từ những năm 1960 đến đầu thế kỷ XXI, nhiều quốc gia phương Đông đã có những bước phát triển vượt trội về kinh tế, xã hội. Quan hệ quốc tế của các quốc gia phương Đông ngày càng rộng mở trên phạm vi thế giới.

Trên cơ sở những kiến thức khoa học nêu trên, cuốn sách “Lịch sử phương Đông” góp phần xây dựng quan điểm nhân văn, cung cấp cho người đọc một cái nhìn hệ thống, cơ bản, toàn diện về sự hình thành và phát triển của lịch sử phương Đông, đồng thời giúp cho người đọc biết quý trọng và gìn giữ tinh hoa bản sắc lịch sử văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp chung trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Trong quá trình biên soạn, cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế nhất định, chúng tôi mong nhận được ý kiến  đóng góp quý báu của người đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tác giả, PGS. TS Lê Đình Chỉnh, nguyên là Chủ nhiệm Khoa Đông phương học, Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội; hiện là Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương, Học viện Khoa học & Giáo dục Việt Nam.

Bạn đọc có nhu cầu tìm đọc cuốn sách, có thể liên hệ trực tiếp với tác giả theo số điện thoại 0934137242; hoặc có thể liên hệ với Viện nghiên cứu Đông Á - Thái Bình Dương, số 6/180 phố Trịnh Đình Cửu, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội; Tel: 024.8585.5686.

 

Lượt truy cập

Hôm nay 23

Hôm qua 8

Tuần này 118

Tháng này 624

Tất cả 264106

Go to top