Admin

Admin

Quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc: Thực trạng, triển vọng, và tác động đến Việt Nam

 Trần Quang Minh*

        Trong lịch sử, bán đảo Triều Tiên (bao gồm cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc) đã từng có quan hệ khá chặt chẽ với Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai miền lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, và đặc biệt là kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc gần như hoàn toàn chấm dứt khi Trung Quốc duy trì mối quan hệ đồng minh thân cận với CHDCND Triều Tiên. Chỉ đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc mới được cải thiện với việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 24/8/1992. Từ đó, quan hệ song phương Hàn – Trung, đặc biệt là các quan hệ kinh tế, bắt đầu được xây dựng với việc hai nước dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài suốt 40 năm. Đến năm 2003, quan hệ song phương giữa hai nước đã được nâng cấp lên thành “Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện”, không chỉ nhằm tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Kể từ năm 2008, quan hệ hai nước lại được nâng cấp thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”. Chính phủ hai nước đã nhấn mạnh phải tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực thiết yếu như kinh tế, chính trị, ngoại giao. Bài viết này sẽ phân tích và đánh giá thực trạng quan hệ Hàn – Trung kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ thành đối tác hợp tác chiến lược (2008) đến nay, triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới, và những tác động của quan hệ này đến Việt Nam (Chi tiết xem file đính kèm).

Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên: 65 năm nhìn lại và Triển vọng

Trần Quang Minh*

 Tóm tắt: Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – CHDCND Triều Tiên (1950-2015), bài viết này sẽ nhìn nhận một cách tổng quát những nét đặc trưng của quan hệ giữa hai nước trong 65 năm qua trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục; đồng thời, phân tích và đánh giá những nhân tố tích cực tác động đến triển vọng phát triển của quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Từ khóa: Việt Nam, Triều Tiên, quan hệ, hợp tác, phát triển, triển vọng

 

Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên là một trong ba nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (chỉ sau Liên Xô và Trung Quốc). Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHCDND Triều Tiên được thiết lập ngày 31 tháng 1 năm 1950. Năm nay là năm hai nước kỷ niệm lần thứ 65 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong 65 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, gắn liến với những biến cố của mỗi nước cũng như tình hình chính trị, kinh tế của khu vực và thế giới. Quan hệ giữa hai nước, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay, có thể được chia thành 3 giai đoạn chính như sau: (i) Giai đoạn 1, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1950-1990); (ii) Giai đoạn 2, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến năm 2007; và (iii) Giai đoạn 3, từ 2007 đến nay.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên, bài viết này sẽ điểm lại những sự kiện và đặc điểm nổi bật trong quan hệ giữa hai nước theo 3 giai đoạn nói trên trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội và đánh giá triển vọng của quan hệ hai nước trong thời gian tới.

 

* . TS, Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

Kinh tế Nhật Bản 2017: Một số đặc điểm nổi bật, triển vọng và tác động

 

Trần Ngọc Nhật*

Tóm tắt:

          Từ khóa: Nhật Bản, Kinh tế, Chính sách, Đánh giá, Triển vọng, Tác động.

Janapan, economic, policy,  assess, prospects, impact.

        

Năm 2017, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải. Xuất khẩu tăng, nhờ sự hồi phục trong thương mại quốc tế kể từ giữa năm 2016, đã góp phần thu hút đầu tư kinh doanh. Đầu tư nhà ở cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất cực thấp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng do dân số trong độ tuổi lao động ngày càng tụt giảm dẫn đến việc duy trì tăng trưởng việc làm gặp nhiều khó khăn vẫn còn là một thách thức lớn đối với Nhật Bản[1]. Chính sách Abenomics giai đoạn 1 của Thủ tướng Shinzo Abe với 3 mũi tên (kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ, và cải cách cơ cấu) đã tỏ ra có hiệu quả với hai mũi tên đầu còn mũi tên thứ ba vẫn chưa phát huy tác dụng. Abenomics giai đoạn 2 được đưa ra năm 2015 với 3 mũi tên mới (nền kinh tế mạnh, hỗ trợ các gia đình và trẻ em, và an sinh xã hội) đã bước đầu phát huy tác dụng trong hai năm qua với biểu hiện rõ nhất là sự cải thiện trong tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu; và đặc biệt là uy tín chính trị của Thủ tướng Shinzo Abe ngày càng được củng cố với việc liên minh đảng cầm quyền của ông đã thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm 2017 và ông đã được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ thứ 3. Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số đặc điểm nổi bật của kinh tế Nhật Bản năm 2017, đánh giá triển vọng kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới và những tác động đến khu vực và Việt Nam.

 

* Th.S. Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]  Abenomics and the Japanese Economy, 10/2/2017, https://www.cfr.org/backgrounder/abenomics-and-japanese-economy

Điều chỉnh chính sách Hợp tác kinh tế của Nhật Bản đối với Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ 21

Trần Quang Minh*

Tóm tắt

Trong hơn một thập kỷ qua, kể từ năm 2000 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cũng trong thời gian này, Nhật Bản đã có những điều chỉnh chính sách quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Bài viết này tập trung phân tích những điều chỉnh chính sách chủ yếu của Nhật Bản đối với Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác về thương mại, đầu tư và ODA.

 

Kể từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, được minh chứng bằng những dấu mốc quan trọng trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước[1]. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Việt Nam cũng đã có những sự điều chỉnh quan trọng theo hướng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược ổn định, lâu dài, vì hòa bình và sự phồn vinh ở châu Á. Bài viết này sẽ đề cập đến những điều chỉnh chủ yếu trong chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kinh tế (thương mại, đầu tư, và ODA) kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay (Chi tiết xem file đính kèm).

 

* TS, Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

[1]. Năm 2002, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi, hai nước đã tuyên bố thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Năm 2004, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ra Tuyên bố chung xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Năm 2006, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, hai nước đã ra Tuyên bố chung “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Năm 2007, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên thủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Năm 2009, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên đã ký Tuyên bố chung về "Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á", nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Năm 2010, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan, Thủ tướng hai nước đã ký “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Năm 2011, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký "Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản". Năm 2014, trong chuyến thăm cấp nhà nước Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã ký “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Năm 2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra “Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”; https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-cot-moc-quan-trong-trong-quan-he-viet-nam-nhat-ban-1125573.tpo

 

Cục diện chính trị - an ninh Đông Bắc Á năm 2017: Một số đặc điểm nổi bật

Trần Quang Minh*

Tóm tắt:  Đông Bắc Á năm 2017, như thường lệ, vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính trị - an ninh. Cục diện chính trị - an ninh ở khu vực này trong năm qua đã để lại những dấu ấn khá đậm nét: Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang đến tột đỉnh; Căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng trở nên nghiêm trọng hơn; Các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực cũng theo đó mà gia tăng tốc độ. Đặc biệt là, Mỹ và Trung Quốc, hai đối thủ chính trên bàn cờ chính trị - an ninh Đông Bắc Á, đã công khai tuyên bố bước vào cuộc chiến giành ngôi bá chủ, không chỉ ở tầm khu vực mà trên phạm vi toàn cầu. Bài viết này tập trung phân tích và làm rõ những đặc điểm nổi bật của cục diện chính trị - an ninh Đông Bắc Á năm 2017 theo các vấn đề nói trên.

Từ khóa: Cục diện, chính trị, an ninh, khu vực, Đông Bắc Á

 

Năm 2017 đi qua đã để lại cho không ít những người quan tâm đến khu vực Đông Bắc Á những khoảnh khắc căng thẳng xen lẫn hồi hộp, lo ngại trước những biến động khó lường của cục diện chính trị - an ninh tại khu vực này. Căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên (sau đây gọi là Triều Tiên) và Mỹ có lúc tưởng như đã đến giới hạn đỏ của một cuộc chiến tranh hạt nhân với những thảm họa vô cùng tàn khốc. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng không kém phần nghiêm trọng với những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên xung quanh vấn đề Đài Loan độc lập và chính sách của Mỹ đối với vùng lãnh thổ này. Tình hình chính trị nội bộ của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực này trong năm qua cũng đã để lại những dấu ấn đậm nét. Hàn Quốc đã tiến hành bầu cử Tổng thống thành công với thắng lợi của ứng viên đảng Dân Chủ, Moon Jae-in, chấm dứt gần 10 năm cầm quyền của phe bảo thủ. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã giải tán quốc hội trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tổ chức bầu cử sớm nhằm tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo của liên minh của đảng Dân chủ - Tự do (LDP) trong nhiệm kỳ mới. Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội đảng Cộng sản lần thứ XIX, thông qua cương lĩnh xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới theo học thuyết Tập Cận Bình và chiến lược đưa Trung Quốc trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới với nhiều điểm thay đổi so với chính sách của người tiền nhiệm. Trung Quốc từ chỗ là “đối tác” đã trở thành “đối thủ” trong chính sách an ninh mới của Mỹ. Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc kinh tế số một và số hai của thế giới, theo đó đã trở thành hai đối thủ cạnh tranh với nhau quyết liệt trên bàn cờ chính trị - an ninh Đông Bắc Á.

Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ một số đặc điểm nổi bật của cục diện chính trị - an ninh Đông Bắc Á năm 2017. Cục diện chính trị - an ninh trong bài viết này, được hiểu một cách chung nhất, là bức tranh toàn cảnh phản ánh tương quan lực lượng và quan hệ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ[1] ở khu vực Đông Bắc Á năm 2017 trong lĩnh vực chính trị - an ninh.

 

* TS.,  NCVC, Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

[1]. Cục diện thế giới đến 2020,  https://www.nxbctqg.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1329:cc-din-th-gii-n-2020-&catid=106:nhung-van-de-quoc-te&Itemid=499

Kinh tế Nhật Bản năm 2016 và triển vọng

Trần Quang Minh* – Trần Minh Nguyệt**

Tóm tắt: Sau hơn hai thập kỷ trì trệ, nền kinh tế Nhật Bản, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền lãnh đạo Chính phủ lần thứ hai vào cuối năm 2012 với chính sách cải cách kinh tế của ông có tên gọi Abenomics, đã có những tín hiệu khởi sắc. Năm 2016 là một năm đánh dấu sự bứt phá đáng kể của nền kinh tế Nhật Bản sau hơn 3 năm thực hiện các cải cách Abenomics. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn còn rất nhiều đòi hỏi nền kinh tế này cần có thêm thời gian để những cải cách táo bạo của Thủ tướng Shinzo Abe có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Bài viết phân tích những đặc trưng nổi bật của nền kinh tế Nhật Bản năm 2016, những chính sách kinh tế mà Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện trong năm này, và dự báo triển vọng của kinh tế Nhật Bản trong năm 2017.

Từ khóa: Abenomics, kinh tế Nhật Bản, chính sách kinh tế, triển vọng.

 

Sau ba năm triển khai chính sách Abenomics, kinh tế Nhật Bản đã phần nào lấy lại được đà tăng trưởng mặc dù những khó khăn vẫn còn chồng chất. Theo đó, niềm tin kinh doanh đã có sự phục hồi, xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm thấp nhất so với các năm trước đó, cán cân thương mại được cải thiện đáng kể cho thấy một hình ảnh khởi sắc nhất trong các hoạt động thương mại quốc tế của Nhật Bản kể từ năm 2011. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản vẫn ở mức thấp do tiêu dùng tư nhân và đầu tư chưa thực sự khởi sắc, tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm, và tỉ lệ lạm phát vẫn còn xa so với mục tiêu 2% đã được đề ra.

Trước tình hình kinh tế còn nhiều biến động thất thường, trong nửa đầu năm 2016 Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một chuỗi các phản ứng chính sách tiền tệ và tài chính bao gồm: bổ sung ngân sách cứu trợ động đất, ban hành chính sách lãi suất âm, hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, và tung ra các gói kích thích kinh tế mới. Chính sách Abenomics ban đầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và làm sống lại nền kinh tế Nhật Bản, tuy nhiên những trở ngại trong cải cách cơ cấu đang làm cho nền kinh tế nước này khó có thể để đạt được quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản vào triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp, và tính cứng nhắc của thị trường lao động đang làm cản trở tốc độ tăng lương và hỗ trợ các lĩnh vực tài chính.

Bài viết này sẽ phân tích các đặc trưng nổi bật của kinh tế Nhật Bản trong năm 2016, các chính sách kinh tế đã được triển khai trong năm này, và dự báo triển vọng kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới (Chi tiết xem file đính kèm)

 

* TS. NCVCC, Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

** ThS. Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Phát triển năng lượng sạch – giải pháp căn bản cho việc đảm bảo an ninh năng lượng của Hàn Quốc

  1. Rủi ro nguồn cung năng lượng

Theo Tạp chí Thống kê Năng lượng Thế giới BP, Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ 9 thế giới vào năm 2014. Tiêu dùng năng lượng sơ cấp của Hàn Quốc đã tăng gần 6 lần trong giai đoạn 1980-2013, từ 49,5 triệu tấn dầu qui chuẩn năm 1980 đã tăng lên 280,4 triệu tấn năm 2013. Tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người cũng tăng nhanh từ 1,1 tấn dầu quy chuẩn năm 1980 lên 5,58 tấn năm 2013[1]. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ này một phần xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi những ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, hóa dầu, xi măng, ô tô. Các ngành công nghiệp này tiêu thụ một khối lượng lớn năng lượng nhập khẩu của cả nước.  Cơ cấu tiêu dùng năng lượng của Hàn Quốc năm 2014 là: than 31%, dầu 39%, khí ga hóa lỏng 16%, năng lượng hạt nhân 13%, và năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1%[2]. Những con số thống kê này đã cho thấy tầm quan trọng tương đối của dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng tại Hàn Quốc. Các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí ga chiếm tới 86% tổng năng lượng sơ cấp của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã trở thành nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 trên thế giới. Trong bối cảnh đó, việc phải thực hiện cắt giảm khí nhà kính theo Nghị định thư Kyoto năm 2012 đã đặt quốc gia này trước các thách thức lớn về tái cơ cấu tiêu dùng năng lượng... (Chi tiết xem file đính kèm)

Trần Quang Minh,  TS. NCVCC, Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

– Trần Minh Nguyệt, Th.S. Viện nghiên cứu Châu Mỹ

30 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Một số thành tựu nổi bật

  1. Từ đối tác thông thường trở thành đối tác hợp tác chiến lược trong một khoảng thời gian rất ngắn

Có thể khẳng định rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một quyết định lịch sử phù hợp với lợi ích của hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới, hướng tới tương lai, hợp tác cùng phát triển. Trong 30 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Hàn Quốc ở Đông Nam Á.

Về chính trị, ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã duy trì đều đặn hàng năm việc trao đổi đoàn và các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao. Kết quả của mỗi lần thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao này không chỉ là hàng loạt các văn bản và thỏa thuận hợp tác được ký kết, mà mức độ chặt chẽ của quan hệ song phương giữa hai nước cũng được tăng thêm một bậc. Hai trong số các dấu mốc quan trọng của việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước cần được kể đến là: năm 2001 quan hệ hai nước từ đối tác thông thường được nâng lên thành  “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”; và năm 2009 tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”. Như vậy là chỉ sau chưa đầy hai thập kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác hợp tác chiến lược của nhau. Trong số rất nhiều quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức trong những năm đầu thập kỷ 1990, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Đây là một sự phát triển hết sức nhanh chóng và ngoạn mục. Việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược” chính là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ song phương, đồng thời cũng là sự thể hiện quyết tâm chung của Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đó ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn trong thời gian tới.

  1. Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc phát triển nhanh chưa từng có

Có thể nói hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất, và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa hai nước 30 năm qua.

- Về viện trợ phát triển, Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc, và cũng là nước nhận được nhiều nhất trong tổng vốn viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Nhật Bản). Năm 2011, Hàn Quốc đã tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn Việt Nam là 1 trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA”, với 3 trọng tâm là: Tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam tăng nhanh không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

- Về đầu tư trực tiếp, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn hơn 50 tỷ USD. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam phần lớn (tới 70%) là vào các ngành công nghiệp chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Hiện nay, FDI của Hàn Quốc đã được trải rộng trên hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Trong 30 năm qua, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có những bước chuyển rất mạnh. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế Hàn Quốc, thời điểm hiện nay đang là giai đoạn khởi đầu cho cao trào của làn sóng đầu tư thứ 3 vào Việt Nam với chiến lược đầu tư công nghệ và kỹ thuật số.

- Về thương mại, kể từ những năm 1980, Việt Nam đã có sự trao đổi mậu dịch với Hàn Quốc. Song quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ thực sự phát triển nhanh kể từ đầu những năm 1990 sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt giai đoạn kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007 đến nay), tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt bình quân 42,5%/năm. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2021 đạt 45,1 tỷ USD.

  1. Sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, xã hội ngày càng sâu sắc

- Ngày nay, giới trẻ Việt Nam biết rất nhiều, ngưỡng mộ và yêu thích nhiều gương mặt nổi bật của làng nghệ thuật giải trí Hàn Quốc. Với họ, dường như có sợi dây vô hình gắn kết, hòa nhập và họ luôn nhiệt liệt tán thưởng, dành tình cảm chào đón mỗi chuyến lưu diễn của các ca sỹ Hàn Quốc.

- Về giao lưu nhân dân, nếu như những năm 1990-1992, hầu như có rất ít kiều dân của 2 nước sang nước kia, thì đến nay, đã có hơn 140.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có 70.000 cô dâu, 60.000 lao động xuất khẩu và 10.000 sinh viên. Đó là chưa kể khoảng 60.000 chị em Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc và đã nhập quốc tịch nước sở tại. Do đó con số người Việt Nam và gốc Việt Nam khoảng hơn 200.000 người. Tương tự như vậy cũng có hơn 150.000 người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Du lịch cũng là một lĩnh vực mà 2 nước đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Trong năm 2021, có gần 1,75 triệu người dân hai nước qua lại thăm viếng lẫn nhau. Việt Nam là quốc gia mà người Hàn Quốc đến thăm nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số du khách và du học sinh Việt Nam sang Hàn Quốc cũng ngày càng gia tăng.

- Về hợp tác lao động: Hợp tác lao động Việt-Hàn là điểm sáng nhất trong quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với các nước. Hợp tác lao động Việt-Hàn, ngoài ý nghĩa quan trọng về kinh tế, còn có ý nghĩa về văn hóa và xã hội. Nó không chỉ góp phần rất to lớn vào việc xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam, đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự hòa nhập của người Việt Nam vào cuộc sống thường ngày của đời sống kinh tế cũng như văn hóa, xã hội Hàn Quốc. Quan trọng hơn cả, đội ngũ lao động Việt Nam làm việc trong các công ty của Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc sang lao động ở Hàn Quốc trở về với sự am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ Hàn Quốc, sẽ là một trong những cầu nối quan trọng tăng cường sự hiểu biết, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trần Quang Minh, TS. NCVCC

Viện nghiên cứu Đông Á – Thái Bình Dương

 

 

Tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế Nhật Bản và Chính sách ứng phó của Chính phủ

Trần Quang Minh

 

Cũng như hàng chục nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Nhật Bản đã và đang chịu những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Tác động dễ thấy nhất là sự sụt giảm nghiêm trọng trong các hoạt động ngoại thương, du lịch và dịch vụ; thị trường chứng khoán ảm đạm; niềm tin của người tiêu dùng tụt giảm; thành quả cải cách kinh tế Abenomics ngày càng tụt xa so với các mục tiêu cần đạt được… Trước diễn biến của đại dịch, Chính phủ Nhật Bản đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước và đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Bài viết này sẽ phân tích và đánh giá những tác động chủ yếu của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Nhật Bản và các giải pháp ứng phó của Chính phủ nước này.

  1. Tác động của đại dịch Covid – 19 tới nền kinh tế Nhật Bản

Đại dịch Covid-19 được xác nhận bắt đầu lây lan sang Nhật Bản vào ngày 23/01/2020. Tính đến ngày 25/4/2020, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tại Nhật Bản đã có 12.829 ca mắc, trong đó có 334 ca tử vong[1]. Những tác động của đại dịch này đến nền kinh tế Nhật Bản là hết sức nghiêm trọng.

- Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/5, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý I/2020 sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc đã giảm 3,4% trong quý I/2020. Theo số liệu thống kê, GDP của Nhật Bản cũng đã giảm 7,3% trong quý IV của năm tài chính 2019 (kết thúc vào ngày 31/3/2020). Đây cũng được coi là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2014 khi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế của chính phủ Nhật Bản vào tháng 4 năm đó. Và đây cũng là lần đầu tiên sau 5 năm (kể từ năm 2015) nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Theo đánh giá của các nhà kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản sẽ suy giảm với tốc độ trung bình vào khoảng 20% hoặc cao hơn trong quý II/2020[2]. Theo ước tính, GDP của Nhật Bản có thể bị mất 1.000 tỷ yên do tác động của đại dịch Covid-19. Các số liệu thống kê đã cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng hết sức mong manh khi dịch bệnh đã tác động hết sức tiêu cực đến các hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng, du lịch, dịch vụ, tâm lý thị trường và tâm lý của người tiêu dùng.

- Xuất khẩu hàng hóa bằng đồng Yên của Nhật Bản tính theo năm đã giảm 21,9% so với cùng kỳ trong tháng 4/2020 sau khi giảm 11,7% trong tháng 3/2020, phần lớn là do các lô hàng máy móc và thiết bị vận tải thấp hơn do nhu cầu nước ngoài tụt giảm. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2009.[3]

Đồ thị 1: Hoạt động ngoại thương của Nhật Bản (2/2018 – 4/2020) 

Nguồn: https://www.focus-economics.com/countries/japan/

Nhập khẩu vào Nhật Bản đã giảm 14,0% trong tháng 2/2020, với mức giảm từ  6,74 nghìn tỷ JPY trong tháng 1/2020 xuống còn 5,21 nghìn tỷ JPY vào tháng 2/2020. Các sản phẩm nhập khẩu có mức giảm lớn là máy móc điện (-18,6%) và nhiên liệu khoáng sản (-9,8%). Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, đã giảm mạnh tới 47,1%. Đây là mức giảm cao nhất kể từ tháng 8/1986.[4] Trong các tháng 3 và 4/2020, nhập khẩu của Nhật Bản tiếp tục suy giảm với mức 5% và 7,2% tương ứng. Cán cân thương mại của Nhật Bản đã thâm hụt 2,3 nghìn tỷ JPY trong tháng 4/2020, trái ngược với mức thặng dư 0,1 nghìn tỷ JPY vào cùng kỳ của năm 2019. Theo dự báo, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 17,3% và nhập khẩu sẽ giảm 10,8% trong năm 2020, đưa cán cân thương mại xuống mức thâm hụt 43,0 tỷ USD[5].

- Sự lây lan của dịch bệnh đã khiến các nhà đầu tư bán nhiều tài sản rủi ro và đầu tư vào những tài sản ổn định hơn như đồng yên, đặc biệt là trong thời gi;an khó khăn về tài chính. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và các địa phương của Nhật Bản đều chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 do lượng du khách quốc tế đến Nhật ngày càng sụt giảm. Ví dụ, Lễ hội tuyết ở thành phố Sapporo, một sự kiện văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản hàng năm thu hút một lượng lớn du khách Trung Quốc, tính đến ngày 11/2/2020 đã giảm khoảng 710.000 lượt người so với mùa lễ hội năm 2019. Không chỉ du khách Trung Quốc mà cả du khách đến từ khu vực Đông Nam Á cũng đã hủy bỏ các chương trình du lịch, tham quan hay dịch vụ đã đặt trước đó tại Nhật Bản. Theo kết quả cuộc khảo sát đối với các nhà điều hành xe buýt thành viên của Hiệp hội xe buýt Hokkaido, số chuyến xe buýt do du khách hủy trong quý I/2020 đã lên tới khoảng 1.700 chuyến, tương đương với khoản lỗ 110 triệu yên (khoảng 1 triệu USD).

Các hoạt động du lịch tại thành phố Osaka ở phía Tây Nhật Bản cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Đài quan sát ngoài trời ở Tòa nhà Umeda Sky thuộc Osaka thường thu hút khoảng 1,2 triệu lượt du khách/năm, chủ yếu là du khách nước ngoài. Tuy vậy, lượng du khách đến điểm tham quan nổi tiếng này đã giảm đáng kể từ tháng 1/2020 đến nay. Royal Hotel Ltd., nhà điều hành chuỗi khách sạn Rihga Royal có trụ sở tại Osaka đã hạ ước tính doanh thu tài khóa 2019 - 2020 (kết thúc vào tháng 3/2020) và dự kiến lợi nhuận hoạt động trong tài khóa này sẽ giảm 70% so với tài khóa trước.

- Đại dịch Covid -19 đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản phải đối mặt với nguy cơ phá sản với mức độ thiệt hại hết sức nặng nề. Niềm tin kinh doanh giảm mạnh trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Theo khảo sát kinh doanh Tankan hàng quý của Ngân hàng Nhật Bản, tình cảm giữa các nhà sản xuất lớn đã giảm trong Q1/2020 xuống -8 điểm, giảm từ 0 điểm trong Q4/2019 và đánh dấu mức giảm thấp nhất trong gần bảy năm. Sự suy giảm trong tình cảm kinh doanh giữa các nhà sản xuất lớn trong Q1 là rõ rệt nhất trong các doanh nghiệp đóng tàu (-29 điểm so với -7 điểm trong Q4), kim loại màu (-26 điểm so với -15 điểm), và các sản phẩm dầu mỏ và than (-18 điểm so với -12 điểm). Niềm tin giữa các công ty phi sản xuất lớn đã giảm xuống 8 điểm trong Q1 từ 20 điểm trong Q4/2019. Niềm tin kinh doanh bị giảm mạnh phần lớn do đại dịch đã hạn chế cả hoạt động kinh tế và khả năng của các doanh nghiệp lên kế hoạch cho tương lai[6].

- Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng và xuất khẩu mà còn tác động tới chi tiêu của các hộ gia đình. Người tiêu dùng đã hạn chế đi mua sắm hơn. Môi trường kinh tế khó khăn hơn, tâm lý dè dặt trong mua sắm của người tiêu dùng cũng là điều dễ hiểu. Chỉ số niềm tin tiêu dùng Nhật Bản đã giảm xuống 30,9 điểm trong tháng 3 từ 38,4 điểm trong tháng 2, đánh dấu mức giảm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 (Đồ thị 2). 

Đồ thị 2: Biến động chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản qua các năm (Nguồn: https://www.nli-research.co.jp/report/detail/id=64265?site=nli)

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng là chi số đo lường kỳ vọng của người tiêu dùng về nền kinh tế trong sáu tháng tiếp theo. Chỉ số trên 50 điểm cho thấy tâm lý lạc quan của người tiêu dùng về triển vọng của nền kinh tế; chỉ số dưới mức 50 điểm cho thấy sự bi quan của họ.

Dưới tác động của dịch bệnh, người tiêu dùng đã suy giảm niềm tin về các khía cạnh đời sống kinh tế của họ như tăng trưởng thu nhập, việc làm, sự sẵn sàng mua hàng hóa lâu bền và sinh kế nói chung. Bước sang tháng 4/2020 khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp (vào ngày 7/4), chỉ số niềm tin của người tiêu dùng càng giảm sâu hơn nữa[7]. Điểm cơ bản của hành vi tiêu dùng là khoản tiền có thể sử dụng và thời gian, sau đó là sự đi lại. Tiêu dùng của người Nhật Bản trong đại dịch Covid-19 suy giảm chủ yếu là do hạn chế đi lại. Hạn chế đi lại khiến mọi người không thể làm việc, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của họ. Hạn chế đi lại cũng khiến mọi người không thể dễ dàng đi mua sắm như trước. Những mặt hàng xa xỉ, lâu bền không còn là lựa chọn mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh mà thay vào đó là những mặt hàng thiết yếu và các trang thiết bị bảo hộ.

- Không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, dịch COVID-19 cũng đang tác động tiêu cực tới kết quả của Chương trình cải cách Abenomics – được thực hiện kể từ năm 2012 đến nay. Hiện nay, khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) còn rất ít công cụ chính sách hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, Chính phủ Nhật Bản đã buộc phải dùng đến ngân sách Nhà nước để tài trợ cho gói kích thích kinh tế có quy mô tương đương với gói kính thích kinh tế đã được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09. Điều này sẽ làm cho tình trạng thâm hụt ngân sách càng trở nên tồi tệ hơn, trong khi tỷ lệ lạm phát ngày càng tụt xa so với mục tiêu 2% đã được đặt ra.

Lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản đã giảm xuống mức 0,1% trong tháng 4/2020. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Trong đó, giá cả các sản phẩm liên quan đến vận tải và truyền thông có mức giảm lớn nhất (-1,2%) trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh[8].

Đồ thị 3: Lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản ( 5/2019 – 4/2020)

Nguồn: Japan Inflation Rate, https://tradingeconomics.com/japan/inflation-cpi

Theo đánh giá của ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Nhật Bản, “Nhật Bản có thể sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-09”.[9]

- Đại dịch Covid-19 cũng đã buộc Nhật Bản phải hoãn việc tổ chức Thế vận hội Olympic năm 2020 tới năm 2021. Đây cũng là một đòn nặng dáng vào nền kinh tế vốn đã rất mong manh của quốc gia này. Nhật Bản đã phải dừng hàng ngàn dự án xây dựng. Theo khảo sát của NHK, riêng tại 20 công ty xây dựng lớn của Nhật Bản, công việc xây dựng đã bị đình trệ tại khoảng 3.000 địa điểm trên khắp nước Nhật.

Việc hoãn Thế vận hội đã kéo theo 3 tỷ USD tài trợ và ít nhất 12 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản không thực hiện được. Ngoài ra, còn phải kể đến số tiền 3 tỷ yen (gần 28 triệu USD) để di dời địa điểm tổ chức thi marathon và đi bộ từ Tokyo tới Sapporo (Hokkaido) nhằm tránh thời tiết nóng ẩm ở thủ đô Tokyo vào năm tới[10].

  1. Ứng phó của Chính phủ Nhật Bản

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp và những tác động tiêu cực ngày càng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã từng bước thực hiện các biện pháp hành chính để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, và đưa ra các giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp.

- Về các biện pháp hành chính, ngay từ đầu tháng 3/2020 chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan bằng cách yêu cầu những người đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc phải được cách ly trong 2 tuần tại các cơ sở chỉ định và không được sử dụng các phương tiện công cộng tại Nhật Bản. Biện pháp này được áp dụng từ ngày 9/3 đến ngày 31/3 đối với tất cả những người đến từ 2 nước trên, kể cả công dân Nhật Bản. Tiếp đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu những người đến Nhật Bản từ 38 nước, trong đó có tất cả 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), phải tự cách ly 2 tuần tại những địa điểm nhất định.

Khi dịch bệnh trở nên ngày càng phức tạp, ngày 7/4/2020, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh, thành của Nhật Bản gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đến ngày 16/04, tình trạng khẩn cấp này đã được mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ, các tỉnh trưởng được phép yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài nếu không cần thiết trong một khoảng thời gian nhất định, trừ các trường hợp đi khám chữa bệnh, đi mua thực phẩm và đi làm. Những yêu cầu này không mang tính bắt buộc, nhưng người dân có nghĩa vụ nỗ lực hợp tác thực hiện[11].

Đến ngày 14/5/2020, tình trạng khẩn cấp đã được nới lỏng tại hầu hết các nơi ở Nhật khi số ca nhiễm mới giảm. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 4 tỉnh, thành khác là Hokkaido, Saitama, Chiba, và Kanagawa. Đến ngày 25/5/2020, Nhật Bản mới chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Theo báo Japan Times, với quyết định này, Nhật Bản đã chính thức kết thúc Giai đoạn 1 trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế[12].

- Về các biện pháp tài chính, ngay từ giữa tháng 2/2020, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói cứu trợ thứ nhất Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp đầu tiên có tổng trị giá 500 tỷ yên nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành du lịch và những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong tháng 3/2020, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu thứ hai với trợ trị giá gần 1000 tỉ yên[13], tương đương hơn 9,6 tỉ đôla Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và để cải cải thiện khả năng xét nghiệm vi-rút. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tiểu thương có doanh thu giảm ít nhất 15% và 20% do tác động của dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp và tiểu thương có doanh thu giảm từ 5% đến 14%, chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay với lãi suất dưới 1%. Bên cạnh đó, chính cũng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài bị tác động bởi dịch bệnh thông qua các tổ chức tài chính của Nhà nước như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Ngoài ra, chính phủ sẽ dành một phần trong gói cứu trợ này để mua khẩu trang từ các nhà sản xuất để cung cấp cho các bệnh viện và các cơ sở khác trong bối cảnh nước này đang rơi vào tình trạng khan hiếm khẩu trang. Chính phủ cũng hỗ trợ tài chính để các nhà trẻ và cơ sở chăm sóc người già có thể mua thêm dung dịch sát khuẩn và khử trùng; Hỗ trợ tài chính cho những phụ huynh phải nghỉ làm trong bối cảnh trường học trên cả nước đóng cửa; Chi trả khoản tiền ăn trưa của học sinh mà các trường phải hoàn lại cho phụ huynh; Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cho nhân viên làm việc từ nhà; Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị hoặc tái cơ cấu các kênh bán hàng, nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với chuỗi cung ứng.

Ngày 7/4/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp với tổng giá trị lên tới 108.000 tỷ yên (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế trị giá 56.800 tỷ yên được đưa ra nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009, và tương đương với 20% GDP của Nhật Bản[14]. Gói kích thích kinh tế này bao gồm các biện pháp tài chính có tổng trị giá 39.000 tỷ yen, trong đó có 6.000 tỷ yen cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt tới các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 26.000 tỷ yen cho chương trình hoãn nộp tiền thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp[15].

Với gói kích thích kinh tế này, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cấp 30 vạn yên cho mỗi hộ gia đình có thu nhập giảm mạnh do đại dịch, và trợ cấp cho mỗi người dân 10 vạn yên (tương đương hơn 900 đôla Mỹ) cho toàn bộ cư dân. Đối tượng được hưởng là người Nhật sống trong nước và những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản có thẻ đăng ký lưu trú từ 3 tháng trở lên. Người tiêu dùng, các gia đình có thu nhập bị suy giảm vì những lý do liên quan đến dịch COVID-19 sẽ được nhận các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt.

Theo chủ trương của Chính phủ, các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hưởng ân hạn thuế một năm. Chính phủ cũng nới lỏng yêu cầu cho các công ty xin gia hạn nộp thuế và sẽ không đánh thuế quá hạn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được vay vốn không cần thế chấp với lãi suất bằng 0. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng cho biết sẵn sàng tăng gói kích thích kinh tế nếu đại dịch COVID-19 dẫn tới sự cắt giảm việc làm và chi phí về tài sản cố định lớn, đe dọa tới viễn cảnh hồi phục kinh tế nước này[16].

Ngày 27/5/2020, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một gói kích thích kinh tế mới với trị giá hơn 100.000 tỷ yen (tương đương 929 tỷ USD), chủ yếu bao gồm các chương trình cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói kích thích này thuộc ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng 4/2020 và được đưa ra sau kế hoạch chi tiêu kỷ lục trị giá 1.100 tỷ USD nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Đây là nỗ lực mới nhất của chính phủ Nhật Bản nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang có nguy cơ rơi vào đợt sụt giảm sâu nhất trong lịch sử thời hậu chiến, khi đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các doanh nghiệp và hoạt động chi tiêu tiêu dùng.[17]

*

*     *

Tóm lại, đại dịch Covid-19 đã có những tác động hết sức nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản trong thời gian qua đã thực hiện những biện pháp rất tích cực và kịp thời để giúp người dân cũng như các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức. Đặc biệt là với việc liên tiếp trong hai tháng liền tung ra hai gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên tới gần 40% GDP của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản hơn bao giờ hết đã nhận thức được tình trạng nguy kịch của nền kinh tế trước tác động khôn lường của đại dịch Covid-19. Các gói kích thích kinh tế này có hiệu quả đến đâu; và chính phủ Nhật Bản có chặn được tình trạng suy thoái kinh tế đang trở nên hết sức cấp bách hay không vẫn còn đang là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, có thể khẳng định là với chủ trương này, tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách của chính phủ Nhật Bản vốn đã nghiêm trọng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn; và việc đạt được các mục tiêu cải cách Abenomic sẽ ngày càng trở nên xa vời. Hy vọng rằng với những nỗ lực của chính phủ và sự đồng lòng của các doanh nghiệp và người dân Nhật Bản, chúng ta sẽ sớm thấy lại được một đất nước Nhật Bản hồi sinh với sức sống mãnh liệt hơn như đã từng được chứng kiến sau các lần khủng hoảng nghiêm trọng trong quá khứ của quốc gia này./.

 

 CHÚ THÍCH

[1] . Coronavirus disease 2019 (COVID-19): Situation Report – 96 , https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/situation-reports/20200425-sitrep-96-covid-19.pdf

[2] Kinh tế Nhật Bản suy thoái do đại dịch COVID-19

, http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/kinh-te-nhat-ban-suy-thoai-do-dai-dich-covid-19-555029.html

[3] . Japan: Exports fall at fastest pace in over a decade in April, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/trade-balance/exports-fall-at-fastest-pace-in-over-a-decade-in-april

[4]. Japan Imports, https://tradingeconomics.com/japan/imports

[5] . Như chú thích 3

[6] . Japan: Business sentiment plummets in Q1 and prospects appear bleak, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/business-confidence/business-sentiment-plummets-in-q1-and-prospects-appear

[7] . Japan: Consumer confidence collapses in March, https://www.focus-economics.com/countries/japan/news/consumer-confidence/consumer-confidence-collapses-in-march

[8]. Japan Inflation Sinks to 0.1% YoY, https://tradingeconomics.com/japan/inflation-cpi

 [9] https://bnews.vn/dich-covid-19-kinh-te-nhat-ban-dung-truoc-khuc-quanh-quan-trong/151724.html

[10]. Olympic Tokyo 2020: Nhật Bản nhận phán quyết cuối cùng, 'ngọn hải đăng' 2020 mất lửa

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/olympic-tokyo-2020-tuong-lai-mong-manh-cua-kinh-te-nhat-627649.html

 [11] . Tác động kép Covid-19 và hoãn Olympic đối với kinh tế Nhật Bản, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1470

[12]. Nhật gỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19, https://tuoitre.vn/nhat-go-bo-hoan-toan-tinh-trang-khan-cap-vi-dich-covid-19-20200525164225062.htm

 [13] Nhật Bản thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 9,6 tỷ USD để đối phó với dịch COVID-19, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-03-11/nhat-ban-thong-qua-goi-cuu-tro-khan-cap-96-ty-usd-de-doi-pho-voi-dich-covid-19-83632.aspx

 [14] COVID-19: Japan unveils $990B package to support economy, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/covid-19-japan-unveils-990b-package-to-support-economy/1795756

 [15] . 政府 緊急経済対策を決定 事業規模は総額108兆円程度, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200407/k10012373231000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001

[16] . Nhật Bản cân nhắc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng ân hạn thuế một năm, https://bnews.vn/nhat-ban-can-nhac-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-huong-an-han-thue-mot-nam/151652.html

[17] Nhật Bản có kế hoạch tung gói kích thích 929 tỷ USD,

 https://www.sggp.org.vn/nhat-ban-co-ke-hoach-tung-goi-kich-thich-929-ty-usd-664178.html

Vai trò của Chính phủ trong việc bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc

Với bề dầy gần 5.000 năm lịch sử, Hàn Quốc là quốc gia sở hữu khá nhiều loại hình lễ hội truyền thống và các ngành nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Trong số hàng chục loại hình lễ hội truyền thống khác nhau ở Hàn Quốc, có thể kể đến một số lễ hội tiêu biểu vẫn còn được bảo tồn và thu hút sự quan tâm của người dân Hàn Quốc cũng như các du khách hiện nay như: Lễ hội văn hóa Hwaseong Suwon; Lễ hội câu cá hồi trên băng Sancheoneo Hwacheon; Lễ hội Núi tuyết Taebaeksan; Lễ hội Lửa Jeju; Lễ hội Đèn lồng Hoa sen; Lễ hội Cát Haeundae; Lễ hội Bùn Boryeong; Lễ hội biển Busan; Lễ hội nước Jeongnamjin; Lễ hội đi bộ qua biển Jindo… Hàn Quốc cũng là quê hương của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như nghề làm giấy, nghề gốm sứ, nghề sơn mài, nghề đúc kim loại, nghệ chạm khắc, nghề thêu ren…

Người Hàn Quốc rất tự hào về các di sản văn hóa của mình. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá đất nước nhanh chóng trong những năm 1960 – 1980, một mặt đã giúp Hàn Quốc trở thành một con rồng châu Á với GDP đứng vào hàng thứ 10 trên thế giới, song mặt khác nó cũng đã kéo theo hệ lụy là nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị phá vỡ. Chính phủ Hàn Quốc đã sớm nhận ra điều này và đã kịp thời ban hành và thực hiện nhiều chính sách cũng như những hỗ trợ cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc bảo tồn, duy trì và phát triển các loại hình lễ hội truyền thống và nghề thủ công truyền thống.

Mặc dù các chính sách của Chính phủ không tạo ra vốn xã hội, nhưng xét dưới góc độ những tác động gián tiếp thì các chính sách của Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo ra những tiền đề cần thiết để các loại hình vốn xã hội có điều kiện phát triển tốt hơn. Những chính sách của Chính phủ sẽ tạo dựng nền tảng cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, cung cấp các nguồn tài chính cần thiết cho sự hình thành và phát triển của vốn xã hội; góp phần tạo nên sự gắn kết giữa các công dân với nhau và giữa các công dân với cơ quan chính phủ. Về phương diện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các chính sách của Chính phủ có vai trò tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các tổ chức mạng lưới, các quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng trong quá trình thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư nói riêng cũng như cả xã hội nói chung.

Liên quan đến các vấn đề này, Hàn Quốc đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách văn hóa, trong đó có các chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, nghi lễ, và các nghề thủ công truyền thống... Bài viết này sẽ phân tích và chỉ rõ các chính sách cũng như sự hỗ trợ của chính phủ Hàn Quốc trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống này. 

Trang 2/3

Lượt truy cập

Hôm nay 122

Hôm qua 365

Tuần này 2049

Tháng này 1099

Tất cả 270308

Go to top